Kinh tếQuản lý, bảo vệ rừng

Ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng hiệu quả

10:03 - Thứ Tư, 19/10/2022 Lượt xem: 1599 In bài viết

ĐBP - Nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé đã được trang bị một số thiết bị cũng như ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giữ rừng đặc dụng. Việc tăng cường ứng dụng công nghệ không chỉ mang lại nhiều chuyển biến tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ hệ sinh thái rừng trong khu bảo tồn, mà còn giảm đáng kể sức người trong công tác tuần tra, bảo vệ và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy xảy ra.

Lực lượng công chức kiểm lâm, viên chức bảo vệ rừng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé ứng dụng phần mềm SMART Mobile trong tuần tra, kiểm tra, giám sát tài nguyên rừng.

Với diện tích trên 46.700ha rừng được giao quản lý, trải dài trên địa bàn 5 xã của huyện Mường Nhé nên công tác quản lý, bảo vệ rừng đặc dụng của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé gặp không ít khó khăn. Để nâng cao hiệu quả quản lý tốt diện tích rừng được giao, bên cạnh việc giao khoán cho các chủ rừng, đơn vị, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé còn tập trung đẩy mạnh các ứng dụng công nghệ vào công tác giữ rừng. Vừa qua, Khu Bảo tồn đã tổ chức 2 lớp tập huấn sử dụng các phần mềm chuyên dụng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng năm 2022 cho công chức, viên chức và người lao động thuộc Phòng Kế hoạch - Khoa học - Kỹ thuật và các trạm quản lý bảo vệ rừng đặc.

Được giao nhiệm vụ giảng dạy, hướng dẫn các kỹ thuật công nghệ cho học viên trong lớp, anh Đặng Ngọc Bảo, Phụ trách Trạm Quản lý bảo vệ rừng đặc dụng Mường Nhé chia sẻ: Tham gia lớp tập huấn, học viên được hướng dẫn để sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên dụng trong công tác theo dõi, tuần tra rừng, cập nhật diễn biến rừng. Trong đó có các phần mềm QGIS và GoogleEarthPro; lồng ghép và sử dụng khai thác ảnh vệ tinh (ảnh google Earth Pro, ảnh sentinel2...) để khoanh bóc các vị trí có biến động rừng và xuất các file dữ liệu sang định dạng đuôi mapinfo, KML... Ngoài ra, công chức, viên chức và người lao động còn được tiếp cận với phần mềm Mapinfo; phần mềm vTool để theo dõi các điểm biến động ngoài thực địa. Thông qua tập huấn, học viên cũng biết cách sử dụng thành thạo các thiết bị máy móc phục vụ công tác tuần tra rừng, như: Máy GPS, máy bẫy ảnh, bộ đàm liên lạc để phục vụ chuyên môn...

Lực lượng công chức kiểm lâm, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé sử dụng thiết bị bay quan sát, ghi hình (flycam), phục vụ công tác tuần tra rừng.

Cùng tham gia hướng dẫn cho các học viên, ông Lã Văn Nguyện, Phụ trách Phòng Kế hoạch - Khoa học - Kỹ thuật, Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nhấn mạnh: Ứng dụng SMART là bộ công cụ mới về quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra rừng được áp dụng trong công tác tuần tra, kiểm tra rừng, giám sát đa dạng sinh học phù hợp với nhu cầu thực tế của đơn vị. Các học viên đã qua sử dụng các phần mềm như vTool, LocusMap nên cơ bản nắm bắt được các tính năng của bộ công cụ, đáp ứng được yêu cầu công việc. Anh em đã nắm được các bước cài đặt phần mềm SMART Mobile; mô hình dữ liệu tuần tra và biết tạo tuyến tuần tra, lập hồ sơ và truy xuất báo cáo tuần tra trên SMART Mobile. Giờ đây, 100% công chức, viên chức, hợp đồng lao động có thể sử dụng ứng dụng SMART Mobile trong tuần tra, kiểm tra, giám sát tài nguyên rừng.

Nói về những thuận lợi của việc ứng dụng công nghệ vào quản lý, bảo vệ rừng, ông Đào Công Tiến, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé cho biết: Việc ứng dụng công nghệ và sử dụng các phần mềm chuyên dụng trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng đã giúp phát hiện và cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, kịp thời cập nhật chính xác những biến động về rừng; giúp cho đơn vị có thể phát hiện nhanh chóng và ngăn chặn, xử lý theo quy định. Bên cạnh các phần mềm chuyên dụng, đơn vị còn sử dụng cả thiết bị bay quan sát, ghi hình (flycam) để quan sát rừng góc rộng từ trên cao, đặc biệt là ở những khu vực rừng có địa hình đồi núi hiểm trở. Việc sử dụng thiết bị này giúp cho anh em trong khu bảo tồn sớm phát hiện các đám cháy rừng, hay phá rừng trái pháp luật. Các thiết bị và phần mềm ứng dụng đã trở thành phương tiện đắc lực, không chỉ giúp đơn vị tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức mà còn hỗ trợ để làm tốt hơn công tác bảo vệ rừng. Trong PCCCR, cùng với việc đôn đốc các nhóm nhận khoán bảo vệ rừng đặc dụng tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR mùa khô hanh, đơn vị đã bố trí lực lượng thường trực, theo dõi các điểm cháy rừng trên hệ thống trang thông tin trực tuyến của Cục Kiểm lâm để kiểm tra, phát hiện sớm cháy rừng, có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhờ theo dõi qua vệ tinh, sử dụng các phần mềm công nghệ thông tin, trong 9 tháng đầu năm, lâm phần Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé không để xảy ra cháy rừng.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top