Tết sớm Hà Nhì nơi ngã ba biên giới

08:02 - Chủ Nhật, 02/01/2022 Lượt xem: 6947 In bài viết

ĐBP - Là 1 trong 10 dân tộc sinh sống lâu đời tại huyện Mường Nhé, người Hà Nhì sinh sống tại 4 xã vùng giáp biên gồm: Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng và Leng Su Sìn, thuộc hai nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Hà Nhì Cồ Chồ. Người Hà Nhì có khá nhiều lễ hội được bảo tồn, lưu giữ, mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo, trong đó tết cổ truyền “Hồ Sự Chà” là một nét văn hóa vô cùng độc đáo.

Theo truyền thống, người Hà Nhì Lạ Mí ăn tết Hồ Sự Chà vào ngày thìn (tức ngày con Rồng) cuối cùng của tháng cuối năm theo cách tính lịch riêng, còn người Hà Nhì Cồ Chồ ăn tết vào ngày dần (tức ngày con Hổ) của tháng đó. Người Hà Nhì vui chơi đón tết trong 3 ngày, các gia đình chuẩn bị lễ vật cúng mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, thăm hỏi, chúc nhau những điều may mắn.

Phụ nữ Hà Nhì chơi đu quay trong ngày tết “Hồ Sự Chà” tại bản Tá Miếu, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé).

Xã Sín Thầu có 7 bản, với 100% là người Hà Nhì. Đến với người Hà Nhì ở Sín Thầu trong những ngày tết cổ truyền, chúng tôi cảm nhận được không khí khẩn trương của mỗi gia đình chuẩn bị đón tết, đón con cháu đi xa về sum họp đầu xuân. Ngay từ giữa năm, gia đình nào cũng để dành một đôi lợn thật to, thật béo, vì theo quan niệm của người Hà Nhì trong ngày tết cổ truyền nhà nào có lợn to để mổ thì năm đó làm ăn khấm khá, mùa màng bội thu, con cháu sum vầy. Trong tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì, việc xem gan lợn rất quan trọng. Sau khi thịt lợn xong, những người già trong gia đình sẽ cùng nhau xem gan lợn để dự báo xem mùa màng năm sau sẽ như thế nào, gia đình có được suôn sẻ, chăn nuôi có được hay không. Già làng Sừng Sừng Sinh, bản Tả Kố Khừ lý giải: “Xem gan lợn là phong tục đã có từ thời tổ tiên. Năm nay miếng gan lợn rất bằng phẳng, mịn, đó là điềm báo cho năm tiếp theo mùa màng sẽ được bội thu hơn năm ngoái, người dân trong bản làng được bình yên”.

Mâm cúng tổ tiên của người Hà Nhì có những vật phẩm riêng không thể thiếu đó là hai bát rượu, hai bát nước sạch bỏ lá chè cùng hai bát cơm thịt. Theo phong tục của người Hà Nhì khi bố mẹ đẻ còn sống thì con cháu phải về nhà bố mẹ để cúng tổ tiên chứ không cúng riêng ở gia đình nhà mình. Đó là một phong tục truyền thống cho đến nay người Hà Nhì vẫn còn giữ nguyên vẹn để nhắc nhở con cháu dù đi đâu cũng phải nhớ về cuội nguồn, nhớ về nơi đã sinh dưỡng mình. Suốt mấy ngày tết, mâm cỗ của người Hà Nhì được thay đổi liên tục, có đủ các món ăn truyền thống. Nhưng dù thay đổi các món thì vẫn có sự hiện diện của đĩa bánh trôi và cặp bánh giầy. Những chiếc bánh trôi, bành giầy không chỉ dùng để dâng lên tổ tiên, mà đó còn là lễ vật để người Hà Nhì đem biếu ông bà, bố mẹ trong ngày tết. Sau lễ cúng bánh trôi, các thành viên trong gia đình mới được ăn bánh.

Sang ngày tết thứ hai, ngay từ sáng sớm các gia đình tổ chức giã bánh giầy (Gạ bạ). Mẻ bánh đầu tiên được giã xong, chủ nhà nặn một chiếc bánh tròn đem cúng mời tổ tiên trước khi mọi người ăn bánh. Trong ngày này, ngoài việc giã bánh giầy, các gia đình vẫn tổ chức vui chơi thăm hỏi chúc tết, những người đàn ông thường nâng chén chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc. Các bà các chị say sưa trong điệu múa, còn các em nhỏ mải mê với trò chơi dân gian truyền thống. Tất cả tạo nên bức tranh tết nhộn nhịp vui tươi đầy màu sắc.

Trong suốt những ngày tết, người dân Hà Nhì cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, văn nghệ, kéo co, đẩy gậy, đu quay, múa xòe truyền thống. Tết “Hồ Sự Chà” của người Hà Nhì diễn ra thật vui tươi đầm ấm, tấm lòng hiếu thuận của con cháu với tổ tiên, ông bà. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cộng đồng người Hà Nhì vẫn kiên trung bám trụ, xây bản làng ngày một ấm no; những giá trị văn hóa tiêu biểu của dân tộc vẫn hiện hữu trường tồn cùng bản làng và những con người bình dị nơi đây.

Bên ánh lửa bập bùng, các loại trống, chiêng, đàn, sáo cùng rộn rã vang lên. Niềm vui hiện rõ trên đôi mắt của người già, nụ cười bừng sáng của trẻ thơ, tất cả đều ngập tràn hạnh phúc trong một mùa xuân mới.

Hoài Thứ
Bình luận
Back To Top