Xây dựng văn hóa, con người Điện Biên phát triển toàn diện

08:22 - Thứ Năm, 06/01/2022 Lượt xem: 5393 In bài viết

ĐBP - Văn hóa là “hồn cốt” của mỗi dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn. Nhận thức được tầm quan trọng đó, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Trung ương, Nghị quyết 13-NQ/TU của Tỉnh ủy, Kế hoạch hành động số 2131 của UBND tỉnh về sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (giai đoạn 2015 - 2020); các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, các kế hoạch sát, đúng phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn địa phương.

Lễ khai mạc Đại hội TDTT tỉnh lần thứ X năm 2018.

Xây dựng con người phát triển toàn diện

Việc xây dựng và phát triển văn hóa, nhất là con người Điện Biên phát triển toàn diện, những năm qua chính quyền các cấp đã thực hiện, gắn với các chương trình, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh. Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, nhằm xây dựng con người Điện Biên phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ theo các giá trị chuẩn mực; trong đó trọng tâm là nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng và thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước, của tỉnh.  Phong trào thể dục thể thao (TDTT) được chú trọng, có bước phát triển và đúng hướng, thu hút đông đảo người dân tham gia. Năm 2015 toàn tỉnh có 125.700 người thường xuyên tham gia luyện tập TDTT (chiếm 23,5%); 340 câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 174.772 người thường xuyên tập luyện TDTT (chiếm 29,4%) tăng 5,9% so với năm 2015; có 392 câu lạc bộ TDTT cơ sở, tăng 52 CLB so với năm 2015.

Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh được triển khai thực hiện thông qua các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”; “Xây dựng cơ quan văn hóa”. Việc xây dựng nếp sống văn minh, đạt nhiều kết quả quan trọng, nhất là trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Số đám tang áp dụng hình thức hỏa táng ngày một tăng; 100% các bản, tổ dân phố xây dựng hương ước, quy ước. Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp. Hiện toàn tỉnh, có 1 Trung tâm Hội nghị - Văn hóa tỉnh, 1 Nhà Thiếu nhi tỉnh, 2 bảo tàng, 1 rạp chiếu phim, 1 thư viện cấp tỉnh, 10 thư viện cấp huyện; 92 điểm bưu điện văn - hóa xã, 10/10 huyện, thị xã, thành phố có thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện; 88/129 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, khu thể thao xã, phường, thị trấn; 635/1.441 thôn, bản, tổ dân phố có nhà văn hóa, khu thể thao.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương

Công tác sưu tầm nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, các giá trị văn hóa trong tín ngưỡng dân gian được đẩy mạnh. Năm 2015, toàn tỉnh có 4 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục quốc gia; đến nay, toàn tỉnh có 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (nghệ thuật xòe Thái; tết Nào Pê Chầu; Lễ Kin Pang Then; Lễ hội đền Hoàng Công Chất...). Toàn tỉnh có 28 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn tỉnh được quan tâm; nhiều di tích cấp quốc gia đã được trùng tu, tôn tạo như: Di tích tháp Mường Luân; thành Sam Mứn... Đến nay, toàn tỉnh có 24 di tích được xếp hạng, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt (Chiến trường Điện Biên Phủ); 13 di tích cấp quốc gia và 10 di tích cấp tỉnh.

Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, di sản văn hóa phi vật thể; hoạt động sưu tầm các hình ảnh, tư liệu lịch sử và công tác trưng bày được Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Bảo tàng tỉnh thực hiện thường xuyên; phục vụ du khách tham quan, nghiên cứu, học tập. Việc này đã góp phần giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đồng thời, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và những nét văn hóa độc đáo của tỉnh đến bạn bè trong và ngoài nước.

Từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng. Du lịch lịch sử, tỉnh đã tập trung khai thác giá trị lịch sử của quần thể di tích Chiến trường Điện Biên Phủ và bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc Tây Bắc. Phát triển các sản phẩm du lịch theo hướng trải nghiệm trên các giá trị lịch sử như: “Hành quân theo dấu chân Chiến sĩ Điện Biên”, “Du lịch xe đạp thồ”... Du lịch văn hóa, tập trung vào khai thác bản sắc văn hóa đặc trưng các dân tộc Tây Bắc; tạo điều kiện cho du khách tham gia khám phá và trải nghiệm những sản phẩm du lịch văn hóa phi vật thể từ các lễ hội, phong tục tập quán mang thương hiệu riêng của du lịch Điện Biên như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Đua thuyền đuôi én, Lễ hội Thành Bản Phủ...

Ông Đoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện Kế hoạch hành động 2131 (từ 2015 - 2020), sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng. Nhận thức về văn hóa của các cấp, ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị, di sản văn hóa truyền thống dân tộc được phát huy. Nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm... Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những hạn chế: Nhiều di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa có giải pháp bảo tồn hiệu quả. Các loại hình nghệ thuật mang bản sắc văn hóa truyền thống tuy được khôi phục nhưng chưa nhiều. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra ở một số nơi...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top