Sách và cuộc sống

"Tước gấm giấu đay": Tiếng lòng của người phụ nữ trong hoàng cung nước Việt

16:36 - Thứ Ba, 17/10/2023 Lượt xem: 4141 In bài viết

Những câu chuyện trong tập truyện văn học Tước gấm giấu đay (Linh Lan Books và NXB Phụ nữ Việt Nam) đưa người đọc vào một hành trình đầy sắc thái, kết hợp giữa dã sử và văn học về những người phụ nữ nổi tiếng trong hoàng cung Việt Nam.

Tập truyện này là thành quả từ sự kết hợp đặc biệt đến giữa những cây bút trẻ và tài năng như Đào Thu Hà, Ngô Hạ Chi, Thuỳ An, Nam Dương, Trà My, Tâm Huỳnh và Linh An. Phần lớn các tác giả đều ở lứa tuổi Gen Z đam mê lịch sử, có người từng xuất bản những đầu sách riêng. Tập truyện được in ấn chỉn chu, tạo điểm nhấn bằng 13 tranh minh họa gắn liền với ý nghĩa câu chuyện.

Những nhân vật trong Tước gấm giấu đay được biết đến như những hoàng hậu, công chúa, hoặc hoàng phi, nhưng những nhân vật lịch sử này không dừng lại ở vị trí đó. Họ đã trải qua một cuộc hành trình đầy khó khăn, gian nan, và tạo nên những dấu ấn đặc sắc trong lịch sử. Tập truyện cũng đưa người đọc đến những khoảnh khắc tối tăm, những bí mật và góc khuất của cuộc đời họ, những khía cạnh ít người biết đến qua những trang chính sử.

Phần lớn các tác giả trong tập truyện "Tước gấm giấu đay" ở lứa tuổi Gen Z và có đam mê lịch sử

Dựa trên những sự kiện quan trọng trong cuộc đời thực của họ, các tác giả đã hư cấu và sáng tạo thêm, từ đó, các nhân vật như Chiêu Linh Hoàng Hậu, Cung Từ Hoàng Hậu, Ân Phi Hồ Thị Chỉ, Thái hậu Dương Vân Nga, Linh Từ Quốc Mẫu Trần Thị Dung và Phục Lễ Công Chúa đã hiện lên đầy sinh động với đầy nỗi niềm. Họ được bày tỏ, được suy nghĩ, được chiêm nghiệm về thế sự cũng như về cuộc đời của chính mình.

Tập truyện đặt ra câu hỏi: "Nhìn kỹ vào những gì mà chính sử quan niệm về họ, hành trạng và tâm lý của họ như thế nào mà có thể xây dựng những dấu ấn cá nhân và đóng góp vào lịch sử của đất nước?".

Trong số các nhân vật này, điều đặc biệt không phải ai cũng là nhân vật chính diện, hoặc anh hùng trong lịch sử. Ví dụ, Tuyên từ hoàng hậu Nguyễn Thị Anh - là người được vua sủng ái, nhưng lại bị người đời sau nghi ngờ là đã can thiệp sâu vào triều chính, đồng thời là thủ phạm thực sự của vụ ám sát vua Lê Thánh Tông, gây nên án oan Lệ Chi Viên.

Trong Tước gấm giấu đay, tác giả Đào Thu Hà đưa ra cái nhìn nhân văn và sâu sắc hơn về nhân vật, thông qua nhân vật là một mảnh linh hồn: “Chiếc cài áo hình hoa cúc trước ngực như con mắt màu xanh biếc dõi theo vầng sáng phía trước. Thị Anh vươn hai tay muốn chạm vào vạt áo. Đôi mắt nàng chất chứa bao điều muốn giãi bày. Nhưng bóng rồng khuất vào vầng mây bạc. Thị Anh nấc lên, nước mắt như sương thấm vào tôi buôn buốt xót…”.

Theo đó, Nguyễn Thị Anh cũng là nạn nhân của quyền lực, của đam mê và đôi khi, ngồi ở những vị trí cao, bà không có nhiều lựa chọn.

Tước gấm giấu đay là một tập truyện đầy cảm xúc về những người phụ nữ với nhiều tính cách, màu sắc thú vị trong lịch sử Việt Nam. Đây là cơ hội để khám phá và hiểu sâu hơn về những người nữ đã xây dựng và thay đổi lịch sử đất nước, như một cánh cửa bước vào thế giới lịch sử.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top