Đào tạo nghề theo nhu cầu

07:35 - Thứ Sáu, 31/03/2023 Lượt xem: 4659 In bài viết

Tỉnh Điện Biên có gần 80% dân số là người dân tộc thiểu số (DTTS). Chính vì vậy, đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, giúp đồng bào DTTS có sinh kế bền vững là một trong những chính sách được các cấp ủy đảng, chính quyền tích cực triển khai. Nhiều địa phương đã chủ động thực hiện các giải pháp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực.

Giảng viên lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn hướng dẫn học viên bản Púng Tôm và Co Củ, xã Thanh Minh thực hành kỹ thuật ủ phân.

Để công tác đào tạo nghề đạt kết quả cao, các huyện, thị xã, thành phố chú trọng công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của lao động.

Sau khi khảo sát nhu cầu học nghề của người dân một số xã trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ về trồng rau an toàn, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) đã mở lớp đào tạo ngắn hạn cho hàng chục lao động địa phương.

Tham gia lớp đào tạo kỹ thuật trồng rau an toàn do Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (Hội Nông dân tỉnh) từ giữa tháng 3 đến nay, chị Lò Thị Hoan, bản Púng Tôm, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên) chia sẻ: Trước đây, khi xử lý đất để trồng rau, tôi cũng như người dân trong bản thường bón phân trực tiếp và gieo hạt giống luôn. Khi tham gia lớp đào tạo nghề trồng rau an toàn, chúng tôi được học rất nhiều kiến thức như: ủ phân, khử trùng đất 5 - 7 ngày mới gieo hạt... Trong quá trình học, giáo viên vừa giảng dạy lý thuyết vừa kết hợp thực thành theo phương pháp cầm tay chỉ việc, giúp chúng tôi tiếp thu và áp dụng vào thực tế dễ dàng hơn.

Với cách làm tương tự, sau khi khảo sát, chính quyền nhiều địa phương đã tổ chức đào tạo nghề theo đúng nhu cầu của người dân. Từ đó xây dựng được nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế có hiệu quả cao, như: Mô hình trồng nấm, chăn nuôi ở các xã Mường Lói, Thanh An, Thanh Hưng (huyện Điện Biên); mô hình chăn nuôi lợn ở xã Mường Toong (huyện Mường Nhé); mô hình chăn nuôi gia súc ở thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà)… Trong đó, nhiều hộ gia đình người dân tộc thiểu số đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Như gia đình anh Lò Văn Minh, xã Mường Lói (huyện Điện Biên). Trước đây, kinh tế gia đình chủ yếu phụ thuộc vào làm ruộng, sản xuất dựa trên kinh nghiệm nên năng suất không cao. Năm 2014, tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu bò do huyện tổ chức, anh Minh đã được học nhiều kiến thức về cách chọn con giống, thức ăn, cách phòng chống bệnh tật cho vật nuôi... Nhờ vậy, những năm qua đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh luôn sinh trưởng, phát triển tốt mang lại thu nhập ổn định.

Thời gian qua, công tác đào tạo nghề được chính quyền địa phương phối hợp các cơ quan liên quan triển khai với phương châm cầm tay chỉ việc: Thực hành nuôi thả cá thì ra ao, dạy trồng cây ra vườn, chăn nuôi thì vào chuồng trại, trồng lúa thì trực tiếp xuống ruộng. Lấy thực tế đồng ruộng, vườn cây, đàn vật nuôi... để đánh giá kết quả đào tạo. Cách làm này phù hợp và thiết thực với điều kiện địa phương giúp học viên dễ tiếp thu kiến thức, từ đó tích cực học tập, tham gia thực hành có hiệu quả.

Ông Nguyễn Quang Khải, Phó phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên cho biết: Hàng năm, trên địa bàn huyện có thêm hàng trăm lao động vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được nâng cao tay nghề, trình độ thông qua các hoạt động đào tạo nghề. Sau dạy nghề chúng tôi đều tổ chức kiểm tra, đánh giá việc triển khai, áp dụng vào thực tiễn của học viên. Kết quả có trên 80% học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm tốt sau đào tạo. Qua đó không chỉ góp phần hoàn thành kế hoạch của UBND huyện về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm mà quan trọng hơn là góp phần thay đổi ngành nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số. Năm 2023, huyện tiếp tục đặt chỉ tiêu đào tạo nghề ngắn hạn cho 800 lao động nông thôn. Các ngành nghề đào tạo chủ yếu là: Kỹ thuật trồng trọt; chăn nuôi; nuôi trồng thủy sản... theo nhu cầu đăng ký của người lao động.

Với cách làm mới, thiết thực, phù hợp điều kiện thực tế địa bàn, những năm qua các huyện, thị xã, thành phố đã nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Sau học nghề, người dân được nâng cao kiến thức, biết áp dụng các tiến bộ khoa học vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng, mang lại thu nhập ổn định hơn cho gia đình. Qua đó góp phần thúc đẩy phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Không chỉ giúp người tham gia học nghề có thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống, hiệu quả đào tạo nghề còn góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết xã hội, kỹ năng sống của lao động khu vực nông thôn, góp phần tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề, trong thời gian tới, ngành chức năng, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho lao động nông thôn, đặc biệt là lao động người DTTQ về tầm quan trọng của học nghề. Chú trọng khảo sát nhu cầu học nghề của người dân, xây dựng cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top