Nỗ lực tạo việc làm cho lao động nông thôn

08:49 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 4276 In bài viết

ĐBP - Năm 2022, giải quyết việc làm mới cho lao động là một trong những chỉ tiêu vượt kế hoạch của tỉnh, với 10.638 lao động có việc làm, đạt 119,5% kế hoạch, tăng 17,73% so với năm 2021. Để có được kết quả trên, tỉnh Điện Biên đã đẩy mạnh các giải pháp, chính sách hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động nông thôn.

Học sinh tìm hiểu thông tin việc làm tại các gian hàng của doanh nghiệp tham gia Hội chợ việc làm huyện Điện Biên năm 2023.

Với chức năng, nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường lao động và việc làm. Ngay từ đầu năm, Sở đã ban hành nhiều văn bản triển khai, hướng dẫn thực hiện các giải pháp tạo cơ hội và nâng cao trình độ cho người lao động, như: Tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm; hỗ trợ đào tạo nghề; tập huấn nghiệp vụ về việc làm và cho vay giải quyết việc làm. Cùng với đó, Sở đề nghị các huyện, thị, thành phố rà soát, tổng hợp nhu cầu vay vốn ưu đãi thuộc các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; phối hợp thông báo tuyển chọn lao động ngành nông nghiệp, ngư nghiệp…

Trong năm 2022, triển khai các giải pháp hỗ trợ, phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiếp nhận, cho phép 25 doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, toàn tỉnh tổ chức 5 hội chợ việc làm với 53 đơn vị, doanh nghiệp và trên 3.622 người tham gia; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức 57 hội nghị tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn lao động tại các huyện, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội tỉnh, Làng trẻ SOS Điện Biên Phủ, Trại giam Nà Tấu, với số lượng 3.956 lượt người; tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm lưu động tư vấn, định hướng nghề nghiệp giới thiệu việc làm, học nghề cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại các UBND các xã, với số lượng người tham gia là 2.730 lượt người; 25 buổi nói chuyện chuyên đề tại các trường PTTH, Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên với trên 5.500 học sinh, sinh viên tham gia.

Tại huyện Tuần Giáo, huyện đã chú trọng làm tốt công tác đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho lao động nông thôn. Huyện tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề và việc làm nhằm nâng cao chất lượng lao động chưa qua đào tạo. Từ đó, giúp hàng nghìn lao động nông thôn nâng cao tay nghề, mở ra cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Hàng năm, huyện tổ chức khảo sát nhu cầu học nghề của lao động nông thôn qua việc phát phiếu thông tin về nhu cầu học nghề, khảo sát qua các cuộc họp thôn, bản; đánh giá nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Trong năm 2021 và 2022, huyện đã mở gần 50 lớp đào tạo nghề về phi nông nghiệp và nông nghiệp cho hơn 1.600 lao động nông thôn. Tỉ lệ lao động có việc làm sau đào tạo chiếm khoảng 75%, riêng lao động học nghề phi nông nghiệp gần như đều có việc làm sau đào tạo.

Triển khai các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, vừa qua, tại huyện Điện Biên, Hội chợ việc làm đã được Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức. Trên 800 lao động có nhu cầu đến tham gia hội chợ đã được các đơn vị, doanh nghiệp tư vấn cụ thể về điều kiện, tiêu chuẩn, quyền lợi và nghĩa vụ của từng đơn hàng tuyến dụng. Qua đó, có trên 200 lao động trong tỉnh đăng ký và tham gia phỏng vấn trực tiếp; 4 lao động nhận được việc làm trực tiếp tại gian hàng việc làm của Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam.

Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Hoạt động tư vấn, tuyển chọn trực tiếp lao động của các công ty, doanh nghiệp tại hội chợ sẽ mở ra cơ hội để người lao động tìm được việc làm ổn định, thu nhập cao. Qua đó, giúp các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tuyển chọn được nguồn nhân lực trẻ, chất lượng và góp phần định hướng nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động.

Năm 2023, với mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 9.100 lao động, tổ chức tuyển mới và đào tạo nghề cho 8.300 người; Điện Biên tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030, Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, trọng tâm là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động; tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến. Đồng thời, thực hiện các giải pháp, chính sách giải quyết việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động vay vốn giải quyết việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top