Tư vấn, giải quyết vấn đề bạo lực gia đình

09:06 - Thứ Tư, 05/04/2023 Lượt xem: 3407 In bài viết

ĐBP - Bạo lực gia đình là hiện tượng xã hội tồn tại dai dẳng từ xưa đến nay ở mọi quốc gia, mọi dân tộc, vùng miền, đặc biệt là trong vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số như Điện Biên. Hành vi này không chỉ để lại hậu quả tiêu cực trong thời điểm hiện tại mà còn để lại những tổn thương tâm lý lâu dài cho người bị bạo lực. Trước thực trạng đó, Hội LHPN các cấp đã có nhiều giải pháp để tư vấn, hỗ trợ hội viên, phụ nữ vấn đề bạo lực gia đình ngay từ cấp cơ sở…

Cán bộ Hội LHPN xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình tới hội viên phụ nữ bản Mường Nhé mới, xã Mường Nhé.

Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, trong năm 2022 toàn tỉnh có 27 vụ phụ nữ bị bạo lực gia đình, trong đó: TP. Điện Biên Phủ 9 vụ, huyện Điện Biên 5 vụ, huyện Tủa Chùa 3 vụ, huyện Mường Chà 3 vụ… Đây là thống kê do các trường hợp phụ nữ bị bạo hành trình báo cơ quan chức năng. Trong cộng đồng, các vụ bạo lực còn có thể lớn hơn nhiều…

Mường Nhé là huyện biên giới với đông đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống nên vấn nạn bạo lực gia đình luôn tiềm ẩn những nguy cơ với hội viên phụ nữ nơi đây. Năm 2022, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện ghi nhận và phối hợp, tư vấn giải quyết 2 vụ bạo lực gia đình. Bà Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Nhé chia sẻ: “Như trường hợp của hội viên phụ nữ tại xã Chung Chải, chồng thường xuyên uống rượu vào là mắng chửi, đánh đập vợ con; tỉnh rượu lại quay về xin lỗi. Hội LHPN huyện chỉ đạo Hội LHPN xã phối hợp cùng các ban, ngành đoàn thể, lực lượng chức năng đến tuyên truyền, vận động giáo dục người chồng hạn chế sử dụng rượu, bia; tập trung làm ăn phát triển kinh tế. Từ đó đến nay, người chồng dần có sự thay đổi về nhận thức, chưa thấy cơ sở thông tin lên việc xảy ra bạo lực gia đình tại gia đình hội viên này…”.

Cũng theo bà Hà, vẫn còn các trường hợp khác là nạn nhân của bạo lực gia đình trên địa bàn. Thế nhưng, các hội viên phụ nữ này vẫn chưa dám lên tiếng vì xấu hổ. Phần khác, khi trình báo với cơ quan chức năng việc mình bị bạo hành lại lo sợ việc xử phạt ảnh hưởng đến người chồng, kinh tế gia đình… Bởi thế, hiện nay nhiều chị em vẫn chọn cách im lặng chịu đựng. “Trước thực trạng đó, Hội LHPN huyện tích cực đẩy mạnh công tác truyền thông tại 11 xã trên địa bàn. Nội dung tuyên truyền tập trung vào cách nhận diện bạo lực; cách hóa giải căng thẳng khi có bạo lực; cách lên tiếng như thế nào… Ngoài ra, trong thời gian tới Hội LHPN huyện cũng sẽ thành lập 4 địa chỉ tin cậy để hỗ trợ hội viên phụ nữ khi có bạo lực xảy ra.” - bà Phạm Thị Hà cho biết thêm.

Hội LHPN các cấp luôn đồng hành với các hội viên phụ nữ trong việc phòng, chống bạo lực gia đình. Chỉ riêng trong quý I/2023, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tuyên truyền, cập nhật, đăng 79 tin, 198 hình ảnh về hoạt động hội, trong đó có công tác phòng chống bạo lực gia đình. Hướng dẫn các cấp Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ thường xuyên theo dõi cập nhật thông tin trên Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, loa truyền thông cơ sở để tự trang bị kiến thức cho bản thân, gia đình. Đồng thời, tích cực phối hợp với các ngành như: Công an, Biên phòng, Tư pháp... tổ chức các lớp, buổi tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân các kiến thức về phòng ngừa, tố giác tội phạm, tệ nạn xã hội. Cùng với đó, 1.801 hội viên phụ nữ tham gia 1.449 tổ hòa giải ở cơ sở, giải quyết kịp thời những vấn đề nổi cộm nhằm góp phần ngăn chặn từ đầu, giảm thiểu bạo lực, đảm bảo an ninh trật tự xã hội, góp phần xây dựng xã hội an toàn cho hội viên phụ nữ. Kênh tiếp nhận thông tin phản ánh tình hình tư tưởng phụ nữ và dư luận xã hội của Hội LHPN tỉnh qua số điện thoại 02153.828.481 được phổ biến tới đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trong tỉnh gắn với việc triển khai thực hiện các phong trào và nhiệm vụ trọng tâm của các cấp Hội trên toàn tỉnh. Hội còn chú trọng tổ chức triển khai 643 hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng thu hút 5.098 hội viên, phụ nữ, trẻ em gái, học sinh tham gia… Từ đó, nâng cao nhận thức và tích cực tham gia vào công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho hội viên, phụ nữ. Không chỉ vậy, Hội LHPN tập trung đẩy mạnh vận động nguồn lực cùng với các cấp, ngành, đơn vị thực hiện đảm bảo an sinh xã hội, giúp phụ nữ phát triển kinh tế, ổn định đời sống góp phần hạn chế nguyên nhân, điều kiện phát sinh mâu thuẫn gia đình dẫn đến phát sinh bạo lực…

Để phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ có vai trò của Hội LHPN các cấp mà còn cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các hội, đoàn thể khác để đẩy mạnh và đa dạng hóa hoạt động tuyên truyền; nâng cao công tác hòa giải ở cơ sở, trợ giúp pháp lý cho người dân. Cùng với đó, cần tăng cường các chế tài xử lý các hành vi bạo lực gia đình để có hình thức răn đe, giáo dục nghiêm khắc với các trường hợp bạo hành phụ nữ…

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top