Đổi thay Pú Nen

07:35 - Thứ Bảy, 15/04/2023 Lượt xem: 4413 In bài viết

ĐBP - Những ngôi nhà mới, mái ngói đỏ tươi mọc lên san sát; đường bê tông nội bản phẳng lì đến từng nhà; trong bản nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Điện, đường, trường trạm khang trang; cuộc sống đủ đầy hiện rõ trên từng khuôn mặt vui tươi phấn khởi của người dân Pú Nen hôm nay.

Một góc bản Pú Nen hôm nay.

Ngược thời gian trở lại hơn chục năm về trước, bản Pú Nen thuộc địa giới hành chính xã Nặm Lịch (huyện Mường Ảng) là bản vùng cao cách trung tâm xã gần 10km. Đường vào bản là đường mòn với phương thức di chuyển duy nhất là đi bộ. 100% người dân nơi đây là đồng bào dân tộc Mông, cuộc sống với nhiều cái không như: Không điện lưới, không nước sinh hoạt... Ngày 27/4/2011, UBND huyện Mường Ảng ban hành Quyết định số 600/QĐ-UBND về việc di chuyển 24 hộ dân bản Pú Nen ra khỏi vùng khó khăn đến khu vực mới thuộc xã Búng Lao. Được cấp ủy chính quyền huyện, xã sắp xếp đưa về gần trung tâm hơn; quan tâm đầu tư điện, đường, nước sinh hoạt, sau 1 thập niên “hạ sơn” cuộc sống của người dân Pú Nen đang tốt lên từng ngày.

Hẹn trước nên chúng tôi được anh Vàng A Chư, Bí thư Chi bộ bản Pú Nen chờ sẵn trong ngôi nhà gỗ khang trang theo lối kiến trúc đặc trưng của người Mông. Trong nhà có đầy đủ tủ lạnh, ti vi, loa đài, đặc biệt là có một bộ máy vi tính để bàn, mà theo lời anh Chư là anh mua năm 2022 để con trai học trực tuyến tại nhà vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh.

Anh Chư kể lại những ngày khó khăn: “Khi còn trên bản Pú Nen cũ bốn mùa mây mù bao phủ, không đường, không điện, đời sống của người dân rất vất vả. Khi đó, tôi còn làm Bí thư chi đoàn, mỗi lần ra xã họp chỉ đi bộ, đi - về phải mất nửa ngày. Trong bản mỗi khi có người ốm đau, sinh đẻ cần đưa ra Trạm Y tế xã đều phải dùng võng 2 người khiêng. Khi có việc cần họp dân, UND xã phải gửi giấy báo trước hằng nửa tháng. Cán bộ xã phải ra chợ, hàng quán gửi dân bản đi chợ cầm về. Nông sản làm ra người dân cũng phải tự gùi xuống chợ bán, hoặc đổi lấy các vật dụng, nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thường ngày”.

Từ khi “hạ sơn”, bản  Pú Nen chuyển về gần trung tâm xã, được đầu tư điện, đường, nước sinh hoạt. Người dân được tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật, đời sống ngày càng khá giả, số hộ nghèo giảm từng năm. Hiện nay, bản còn 18/34 hộ nghèo.

Được tiếp cận thông tin người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng. Giao thông thuận tiện, 100% đường nội bản được bê tông hóa, sản phẩm nông sản được tiểu thương vào tận bản thu mua. Cuộc sống của người dân Pú Nen đang tốt lên từng ngày, trong bản nhà nào cũng có vườn rau, chăn nuôi từ 5 - 10 con gia cầm. Cả bản hiện có 48 con bò, 20 con dê, hơn 100 con lợn, trên 300 con gà vịt; 15ha lúa nương, 8ha lúa ruộng, 18ha sắn, 2ha ngô… Từ khi về nơi ở mới đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu trong sản xuất, có thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/năm như: Gia đình anh Vàng A Vư, Và Chống Páo, Sùng A Chứ, Sùng A Khua... Bây giờ, 100% hộ dân trong bản có xe máy, ti vi, điện thoại thông minh; được tiếp cận các dịch vụ internet.

Bí thư Chi bộ Vàng A Chư đưa chúng tôi đến thăm một số gia đình có kinh tế khá giả trong bản. Đầu tiên là hộ ông Vàng A Vư với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi. Hiện nay gia đình ông Vư nuôi 10 con bò, 10 con lợn thương phẩm kết hợp trồng hơn 2ha sắn, ngô, 2.000m2 lúa ruộng; có nguồn thu nhập ổn định 100 triệu đồng/năm. Tiếp đến là gia đình thầy giáo Sùng A Khua, ngoài thời gian lên lớp, thầy chăm chỉ tăng gia sản xuất, chăn nuôi 2 con bò sinh sản, 10 con lợn, 500m2 ao cá, nuôi gần 100 con gia cầm, cấy 2.000m2 lúa ruộng. Không chỉ cải thiện bữa ăn gia đình mà chăn nuôi đã tạo thêm thu nhập cho gia đình thầy Khua trên 50 triệu đồng/năm.

Kinh tế từng bước phát triển, người dân bản Pú Nem đã quan tâm tới sức khỏe, việc học tập của con em mình; 100% trẻ em dưới 6 tuổi trong bản được tiêm chủng đầy đủ. Bản cũng phối hợp chặt chẽ với các nhà trường làm tốt công tác vận động học sinh ra lớp, duy trì sĩ số, 100% con em trong độ tuổi được đến trường. Bản có nhà văn hóa phục vụ người dân sinh hoạt cộng đồng, vui chơi thể thao, bóng chuyền hơi. Cùng với đó, bản thành lập đội văn nghệ quần chúng, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh; duy trì và giữ vững danh hiệu bản văn hóa, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Thầy giáo Lường Văn Thim, Trường Tiểu học Búng Lao, từng “cắm” tại điểm trường Pú Nen năm 2010, chia sẻ: “Hơn chục năm về trước, trẻ em trong bản hầu như chỉ học hết tiểu học, biết đọc biết viết đã là giỏi. Thì nay đã khác rất nhiều, điều kiện kinh tế khá giả, đường sá thuận tiện người dân cũng quan tâm đến việc học hành của con em mình hơn. Hiện nay, bản Pú Nen có 3 em đang theo học tại các trường: Đại học Thái Nguyên, Đại học Luật Hà Nội và Đại học Tây Bắc”.

Chúng tôi rời Pú Nen lúc trời chiều chạng vạng, từng đàn bò no cỏ đang đủng đỉnh về chuồng. Dẫu biết công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới còn nhiều khó khăn, nhưng tin tưởng rằng với sự vào cuộc nhiệt tình, thực tâm của các cấp chính quyền, sự đồng lòng, chịu thương chịu khó của người dân, Pú Nen sẽ ngày càng khởi sắc, ấm no hơn!.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top