Xuất khẩu lao động “về đích” sớm

05:57 - Thứ Bảy, 17/06/2023 Lượt xem: 4863 In bài viết

ĐBP - Từ đầu năm đến nay, Điện Biên đã đưa 121 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 111 lao động so với cùng kỳ năm 2022. Kết quả trên được đánh giá là tín hiệu tích cực khi số lao động xuất cảnh trong 6 tháng đầu năm đã đạt và vượt kế hoạch xuất khẩu lao động (XKLĐ) của tỉnh năm 2023. Qua đó, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp, việc làm với học sinh Trường THPT Mường Luân, huyện Điện Biên Đông.

Cơ hội giảm nghèo bền vững

Tìa Dình là xã vùng cao thuộc huyện Điện Biên Đông với trên 630 hộ dân và 3.936 nhân khẩu. Là xã thuần nông, không có nghề phụ nên để tìm ra hướng đi phát triển kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, từ lâu chính quyền và nhân dân xã Tìa Dình coi XKLĐ là một trong những hướng đi để phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống của người dân trong xã. Trái với hình ảnh nghèo đói trước đây, diện mạo xã Tìa Dình đã có sự thay da đổi thịt mạnh mẽ. Những ngôi nhà sàn khang trang mọc lên ngày một nhiều, người dân mạnh dạn đầu tư mua ô tô, trang thiết bị để phát triển kinh tế...

Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Trước đây thu nhập của người dân chủ yếu trông chờ vào chăn nuôi, trồng trọt. Bởi vậy, dù rất chịu khó song cuộc sống của người dân vẫn đói nghèo, làm cật lực thu nhập cũng chỉ đủ sống qua ngày, khó ổn định cuộc sống. Từ khi người dân trong xã có phong trào đi XKLĐ thì đời sống đã có nhiều thay đổi. Số lao động đi làm việc ngoài nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt kinh tế - xã hội, tạo sự chuyển biến về nhận thức của người dân nói chung, người lao động nói riêng. XKLĐ đã mang lại nguồn thu nhập cao, cải thiện cuộc sống cho nhiều gia đình và giúp cho diện mạo nông thôn mới khởi sắc từng ngày.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Tìa Dình, từ năm 2018 đến nay, toàn xã đã có hơn 130 người đi XKLĐ tại các nước, như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản... Việc thực hiện tốt công tác XKLĐ là một trong những tác động tích cực giúp xã giảm tỉ lệ hộ nghèo theo từng năm. Riêng trong năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm từ 62,72% xuống còn 56,72%; vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện, xã đề ra.

Anh Sùng A Di, bản Tìa Dình (xã Tìa Dình), người đã hoàn thành thời gian hơn 4 năm XKLĐ tại Hàn Quốc cho biết: Trước đây cuộc sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ trong bản rất vất vả, cấy lúa, chăn lợn mãi cũng chẳng thể thoát nổi cái nghèo. Năm 2014, sau khi được cán bộ Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh giới thiệu và tư vấn về chương trình đi làm việc ở Hàn Quốc với mức lương ổn định. Tôi quyết định đi XKLĐ với việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Thời gian làm việc bên Hàn, tôi có thu nhập ổn định từ 30 - 40 triệu đồng/tháng. Chính vì vậy, sau khi hết thời hạn và trở về địa phương, tôi quyết định làm thủ tục để sang Hàn Quốc làm việc tiếp.

Nâng cao hiệu quả hoạt động XKLĐ

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có 121 lao động xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trong đó, Hàn Quốc 8 người, Nhật Bản 59 người, Đài Loan 49 người... Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch triển khai; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để thu hút người tham gia XKLĐ, giới thiệu những thị trường lao động có thu nhập cao; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo thuận lợi cho người lao động vay vốn.

Với chức năng, nhiệm vụ kết nối cung - cầu lao động, Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu việc làm tại các huyện, thị, thành phố; với các hình thức đa dạng, như trực tiếp, lưu động. Ông Nguyễn Duy Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các thị trường, đặc biệt là thị trường XKLĐ, Trung tâm tập trung công tác tuyên truyền, vận động người lao động tham gia. Từ đầu năm đến nay, trung tâm đã tổ chức 3 hội chợ việc làm cấp huyện tại các huyện Điện Biên, Tủa Chùa và Tuần Giáo; tổ chức 16 hội nghị việc làm lưu động và 23 buổi nói chuyện chuyên đề, định hướng nghề nghiệp tại các trường THPT, PTDTNT THPT trên địa bàn tỉnh; tích cực đăng tải thông tin tuyển chọn lao động trên website, trang facebook, zalo của Trung tâm; phát tờ rơi, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh... Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động tham gia XKLĐ.

Bên cạnh những lợi ích như tạo việc làm, tăng nguồn thu nhập cho lao động, nâng cao đời sống nhân dân, giúp chuyển đổi nhận thức của người lao động về lối sống văn minh, hiện đại, tác phong làm việc khoa học, chuyên nghiệp... Công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều hạn chế như: Lực lượng lao động tham gia XKLĐ trên địa bàn tỉnh còn ít, chỉ tập trung vào một số địa bàn, chưa tạo thành phong trào rộng khắp; một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, quyết liệt đến công tác XKLĐ; một bộ phận người dân còn bảo thủ, lạc hậu, chưa thực sự tin tưởng cho con em mình tham gia XKLĐ...

Để đẩy mạnh công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Điện Biên tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách về công tác XKLĐ; nâng cao hiệu quả công tác dịch vụ việc làm, hỗ trợ phát triển thị trường lao động; thông tin kịp thời tình hình thị trường lao động, các chương trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về XKLĐ trên địa bàn, chú trọng ưu tiên thẩm định các đơn hàng đi XKLĐ tại các thị trường có thu nhập cao, tình hình an ninh chính trị, kinh tế, xã hội ổn định; tăng cường phối hợp và nâng cao trách nhiệm giữa các chủ thể tham gia XKLĐ. Tiếp tục hợp tác, mở rộng thị trường lao động. Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ đào tạo ngành nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động ở nước ngoài.

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top