Phòng, chống bệnh thủy đậu

09:01 - Thứ Hai, 10/04/2023 Lượt xem: 4689 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 75 ca mắc thủy đậu. Hiện tại, đang có một chùm ca bệnh tại Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) với 21 ca. Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Varicella Zoster  gây ra. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu gặp ở trẻ em.

Tiêm vắc xin phòng thủy đậu là biện pháp phòng bệnh hiệu quả hàng đầu. Trong ảnh: Trẻ em thăm khám trước khi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu.

Bệnh thủy đậu rất dễ lây lan từ người qua người, lây qua đường hô hấp do vi rút trong nước bọt bệnh nhân được tung ra môi trường. Bác sĩ Phạm Đức Tài, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh) cho biết: Thủy đậu có thời kỳ ủ bệnh trung bình 14 ngày, trong thời kỳ này thường không có triệu chứng gì. Đến khi khởi phát sẽ có những triệu chứng nhức đầu, sổ mũi, đau mình, ở trẻ nhỏ có thể không có triệu chứng gì hoặc chỉ sốt nhẹ, trẻ lớn có thể sốt nhiều hơn, đau mỏi, nhức đầu. Có thể có ban dạng sởi thoáng qua và bay ngay. Thời kỳ toàn phát là sau 24 - 48 giờ khi có triệu chứng ban đầu, bệnh nhân sốt cao lên đồng thời mọc ban hoặc mọc ban mà hoàn toàn không sốt. Nốt ban đầu đỏ, dạng vết chấm, sẩn, có khi là sẩn phù và nhanh chóng thành mụn nước. Mụn nước mọc nông, thành mỏng, chỉ có một ngăn. Mụn nước có dịch màu vàng nhạt, trở nên lõm và nhanh chóng trở thành mụn mủ, màu mủ trắng mịn và trở thành vẩy tiết màu đỏ nâu trong vòng 8 - 12 giờ. Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính, có thể chữa khỏi hoàn toàn, không để lại di chứng nếu phát hiện kịp thời và chữa trị đúng cách; nhưng cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng da... phụ nữ mang thai mắc bệnh thủy đậu sẽ rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sảy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi.

Để chủ động phòng, chống bệnh thủy đậu, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã đề nghị trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tăng cường công tác giám sát dịch tễ tại các xã, phường nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những ca bệnh đầu tiên. Khi phát hiện các trường hợp mắc bệnh cần tập trung điều trị, khoanh vùng dập dịch; tổ chức phun hóa chất xử lý môi trường, nhất là ở những địa bàn có nhiều trường hợp mắc bệnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống bệnh thủy đậu để bảo vệ sức khỏe người thân trong gia đình. Trong đó, chú trọng tuyên truyền thông qua đội ngũ cán bộ y tế cơ sở thường xuyên xuống các thôn, bản để hướng dẫn người dân về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng tránh bệnh thủy đậu...

Bác sĩ Tài khuyến cáo người dân cần chủ động cho trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu khi trẻ nhỏ đủ từ 12 tháng tuổi; vì đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để tránh lây lan; nếu cần tiếp xúc phải đeo khẩu trang, sau khi tiếp xúc phải rửa tay bằng xà phòng; thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Phụ nữ mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh và ổ dịch. Những trường hợp mắc thủy đậu cần được cách ly và cho nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 - 10 ngày khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan. Khi thấy bản thân và người trong gia đình có biểu hiện của bệnh thủy đậu nên đưa ngay đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top