Giúp bệnh nhân vơi bớt khó khăn

15:01 - Thứ Tư, 12/04/2023 Lượt xem: 5376 In bài viết

ĐBP - Hỗ trợ, tư vấn, giải  quyết các vấn đề khám, chữa bệnh; bảo đảm quyền lợi; hỗ trợ khẩn cấp; tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân... Đó là những hoạt động thiết thực mà Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) đã và đang thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tại bệnh viện, tăng sự hài lòng cho người bệnh.

Salon tóc Kim Nhung cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Có mặt tại nhà thi đấu đa năng của bệnh viện trong buổi cắt tóc miễn phí, chúng tôi thấy được không khí nhộn nhịp, vui vẻ của các bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, sự nhiệt tình của các nhân viên Phòng Công tác xã hội. “Bác đi cắt tóc phải không ạ! Mời bác vào đây ngồi cho mát rồi đợi tới lượt nhé” - Đó là những lời ân cần của các nhân viên Phòng Công tác xã hội.

Chuyển mùa, cái oi bức của mùa hè dần trở nên gay gắt; nhiều bệnh nhân và người nhà muốn cắt tóc cho gọn gàng, mát mẻ hơn. Nhận thấy điều này, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kết nối với các salon tóc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ: Kim Nhung, Huy Hữu, HT để giúp đỡ, cắt tóc miễn phí cho bệnh nhân. Gần đến ngày tổ chức cắt tóc miễn phí, nhân viên Phòng Công tác xã hội sẽ thông báo đến từng khoa trước 2 ngày để nắm được số lượng người có nhu và chuẩn bị nhân lực thực hiện. Cắt tóc miễn phí đã trở thành hoạt động thường niên, được tổ chức 2 ngày/tháng, thời gian vào buổi chiều từ 3 giờ đến 4 giờ 30 phút. Không chỉ kết nối với các salon tóc trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, phòng cũng đang kết nối với Trường Cao đẳng nghề Điện Biên để các học sinh có cơ hội được giúp đỡ bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện cũng như rèn luyện tay nghề cho bản thân.

Những bệnh nhân tự đi lại được thì xuống cắt tóc tại điểm cắt tập trung; những người phải băng bó, cắm ống chuyền, nằm trên giường bệnh, khó khăn khi di chuyển đều được các thợ cắt tóc đến tận giường, tận phòng. Ông Cà Văn É, huyện Mường Ảng đang điều trị tại Khoa Nội chia sẻ: Được thợ đến tận phòng cắt tóc cho, tôi rất vui. Bản thân tôi sức khỏe yếu, điều trị lâu dài trong bệnh viện, thường xuyên bị hoa mắt chóng mặt, đi lại khó khăn nên không thể ra ngoài cắt tóc được. Các bạn trẻ vui tính, nhiệt tình và cắt tóc rất đẹp; việc làm ý nghĩa này phần nào giúp những người bệnh như tôi giảm bớt chi phí, được động viên tinh thần, có thêm động lực chiến đấu, vượt qua nỗi đau bệnh tật. Cảm ơn sự quan tâm của Bệnh viện, salon tóc đã giúp đỡ chúng tôi.

Anh Cà Văn Kim, chủ salon tóc Kim Nhung chia sẻ: Đây là hoạt động đầy ý nghĩa nên chúng tôi sẵn lòng đồng hành, hỗ trợ cùng bệnh viện. Cứ mỗi khi bệnh viện có yêu cầu là salon chúng tôi sẽ có mặt để cắt tóc cho người bệnh. Việc làm tuy nhỏ nhưng chúng tôi hy vọng bệnh nhân được thoải mái, tự tin hơn để chiến đấu với bệnh tật. Trong đợt cắt tóc miễn phí, salon đã đưa 7 - 8 người đến, đều là thợ cắt tóc chuyên nghiệp và đã làm việc tại salon nhiều năm.

Người dân đến khám bệnh lựa chọn quần áo tại tủ quần áo từ thiện.

“Chị ơi, phòng photo ở đâu ạ?”, “Em ơi, Khoa Nội ở khu nào vậy?”, dồn dập những câu hỏi của người dân đến khám hỏi nhân viên Tổ chăm sóc khách hàng và người bệnh làm việc tại khu vực khám bệnh. Liên tục trả lời; dù thời tiết oi bức, nắng nóng, nhưng chị Lường Phương Liên, thành viên của Tổ chăm sóc khách hàng và người bệnh luôn ân cần, niềm nở với mọi người. Mỗi ngày, chị đều có mặt trước giờ làm việc 30 phút để hướng dẫn, đón tiếp, phân luồng, hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám bệnh, thanh toán viện phí, hỗ trợ những bệnh nhân nặng cần giúp đỡ. Chị Liên tâm sự: Tôi làm công việc này đã 3 năm, có nhiều kỉ niệm, nhưng tôi nhớ nhất trường hợp một bệnh nhân người dân tộc Mông đến khám bệnh, không nói được tiếng phổ thông. Tôi đã hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục, đưa vào phòng khám bệnh, mặc dù chỉ là giao tiếp qua ngôn ngữ cơ thể, nhưng rất may mọi việc đều thuận lợi. Sau khi bệnh nhân đó ra viện, có mời tôi mặc bộ trang phục truyền thống của họ và khen tôi “dông thể” (nghĩa là rất xinh đẹp theo tiếng Mông). Lúc đó tôi không hiểu lắm, sau được mọi người giải thích là mặc rất đẹp, khiến tôi vui; nhớ mãi đến bây giờ và càng yêu nghề hơn nữa”.

Không chỉ tiếp đón, hỗ trợ người bệnh đến khám, chị Liên còn tranh thủ thời gian sáng sớm và tối trước khi ra về, gấp gọn những bộ quần áo trong tủ quần áo từ thiện được đặt ngay khu vực chờ khám bệnh. Trong tủ, lúc nào cũng đầy ắp quần áo, nhiều mẫu mã, lứa tuổi được chia thành từng ô nhỏ, gọn gàng, phân loại rõ ràng. Tủ quần áo từ thiện được thành lập từ 2019 với mục đích tận dụng nguồn quần áo cũ mà người dân không sử dụng nữa để chia sẻ, giúp đỡ người bệnh có hoàn cảnh khó khăn.

Sau khi làm thủ tục xuất viện cho người thân, chị Lò Thị Mai, xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo đang lựa chọn những bộ quần áo phù hợp với bản thân mình. Chị Mai chia sẻ: Quần áo ở đây hầu như còn rất mới, lại còn được giặt sạch sẽ, thơm tho nữa; tôi đã chọn được mấy bộ cho mình rồi. Tủ quần áo từ thiện này rất ý nghĩa, không chỉ với bản thân tôi mà còn với những người bệnh điều trị dài ngày, có hoàn cảnh khó khăn cũng được giúp đỡ phần nào.

Đặc biệt, những hoạt động hỗ trợ cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, điều trị dài ngày tại bệnh viện luôn được Phòng Công tác xã hội chú trọng bằng những hoạt động phát phiếu ăn miễn phí (hàng tháng, gần 700 phiếu ăn cơm, mỗi phiếu trị giá 30.000 đồng được phát cho các bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện), kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ hoặc từ nguồn tiền hòm tiền từ thiện của những người đi photo giấy tờ, phòng sẽ không thu tiền mà tùy tâm mỗi người bỏ tiền vào hòm, hàng tháng trích ra để hỗ trợ kinh phí giúp bệnh nhân có thể yên tâm điều trị bệnh.

Chị Lường Phương Liên, thành viên của Tổ chăm sóc khách hàng và người bệnh, Phòng Công tác xã hội hướng dẫn người dân đến các phòng khám bệnh.

Có con đang điều trị bệnh viêm phổi, viêm não tại Khoa Nhi, anh Tảnh A Chinh, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ tâm sự: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Từ những ngày đầu đưa con xuống bệnh viện, nhân viên y tế tại Phòng Công tác xã hội đã hướng dẫn tôi cách làm thủ tục khám, chữa bệnh và nhanh chóng nắm bắt được hoàn cảnh gia đình, thường xuyên động viên gia đình, hỗ trợ một ngày hai phiếu ăn. Những suất cơm, cháo mà Bệnh viện kêu gọi giúp tôi yên tâm duy trì việc điều trị cho con. Không những vậy, các nhân viên công tác xã hội luôn trò chuyện, hỏi thăm sức khỏe của cháu và gia đình khiến tôi cảm thấy được động viên, chia sẻ”.

Bà Nguyễn Thị Hiên, Phó Trưởng phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Tất cả các bệnh nhân đều được hỗ trợ từ nhân viên  Phòng Công tác xã hội khi gặp khó khăn. Phòng được thành lập từ năm 2016. Đến nay, Phòng có 4 thành viên và mạng lưới cộng tác viên với 32 thành viên là trưởng, phó khoa lâm sàng và cận lâm sàng, 9 thành viên của tổ chăm sóc khách hàng và người bệnh. Phòng thực hiện chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về công tác xã hội cho người bệnh và người nhà bệnh nhân trong quá trình khám, chữa bệnh; thông tin, truyền thông và phổ biến, giáo dục pháp luật; vận động tiếp nhận tài trợ; hỗ trợ nhân viên y tế; tổ chức các hoạt động từ thiện, là cầu nối giữa các nhà hảo tâm với bệnh nhân... Để các hoạt động công tác xã hội đạt hiệu quả, cán bộ, nhân viên của phòng đã bám sát nhiệm vụ được phân công, hết lòng với công việc. Mỗi ngày, chúng tôi đều phân công nhân viên có mặt tại các bàn tiếp đón, tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân, đến buồng bệnh ở các khoa, phòng thăm hỏi, nắm bắt tình hình nhằm hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh khó khăn; kêu gọi tài trợ trong các trường hợp cần thiết, kêu gọi hiến máu, kết nối tổ chức, cá nhân có tấm lòng thiện nguyện hướng về người bệnh...

Từ đầu năm đến nay, Phòng Công tác xã hội đã hỗ trợ 1.185 bệnh nhân với tổng số tiền gần 130 triệu đồng từ nguồn của phòng; duy trì thực hiện “Nồi cháo nhân ái” do phật tử Chùa Linh Sơn tài trợ, phát cháo định kỳ vào 6 giờ 15 phút sáng cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện; hỗ trợ 1.364 phiếu ăn miễn phí cho 215 bệnh nhân; gọi điện với 1.418 lượt người bệnh hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân sau khi ra viện, tư vấn giáo dục sức khỏe, nhắc bệnh nhân chế độ ăn, lịch tái khám, tiếp nhận thông tin phản ánh từ người bệnh, người nhà bệnh nhân. Hỗ trợ 130 suất quà và 280 suất cơm cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại bệnh viện...

Với những hoạt động sôi nổi của Phòng Công tác xã hội đã góp phần nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mang đến sự hài lòng từ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân.

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top