Thấy gì sau nửa tháng áp dụng khung giá dịch vụ y tế theo yêu cầu mới?

10:55 - Thứ Tư, 06/09/2023 Lượt xem: 6123 In bài viết

Hơn nửa tháng Thông tư 13/2023/TT-BYT quy định khung giá và phương pháp định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu của Bộ Y tế có hiệu lực, nhiều bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt đã điều chỉnh giá khám, chữa bệnh dịch vụ, nhiều bệnh viện vẫn chưa có điều chỉnh, đang xây dựng giá một cách thận trọng.

Theo ghi nhận của phóng viên, một số bệnh viện trước đây thu giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu cao, nay hạ thấp theo Thông tư 13, có nơi hơn 1.000 dịch vụ kỹ thuật giảm giá, có dịch vụ giảm tới hơn 30 triệu. Theo đại diện Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), trước đây Bộ Y tế chưa ban hành khung giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện tự xây dựng giá muôn hình muôn vẻ, người bệnh không có sự lựa chọn.

70% dịch vụ y tế theo yêu cầu của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội giảm giá.

Ông Hà Văn Bình (Hà Nội) cho biết, khi đến Bệnh viện Việt Đức mổ dịch vụ thay động mạch chủ, ông bất ngờ với bảng giá mới, giảm 38,8 triệu đồng (từ 74 triệu giảm xuống còn 35,2 triệu). “Với mức chi phí này, người bệnh thấy rất dễ thở. Vì chúng tôi còn phải thuê giường dịch vụ nữa, giá tiền giường cũng hơn 1 triệu đến 2 triệu/ngày”, ông Bình nói.

Thực hiện theo Thông tư 13, 1.478 dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu của Bệnh viện Việt Đức đều bằng hoặc thấp hơn giá tối đa mà Bộ Y tế quy định, rất nhiều dịch vụ giảm sâu so với trước đây. Giá dịch vụ giảm mạnh, nhưng lãnh đạo bệnh viện cho biết, chất lượng không giảm.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là cơ sở y tế có nhiều dịch vụ theo yêu cầu giảm giá nhất trong số các bệnh viện của Thủ đô. Tại đây có đến 70% dịch vụ y tế theo yêu cầu kéo giảm theo khung quy định về giá tại Thông tư 13. Cụ thể, gói sinh mổ (phẫu thuật lấy thai lần đầu) có giá dịch vụ giảm từ 16 triệu đồng còn hơn 6,7 triệu đồng. Gói sinh thường khu dịch vụ giảm từ 14 triệu đồng còn hơn 4,3 triệu đồng… Tuy nhiên, giá tiền phòng dịch vụ lại tăng vọt từ 1,2 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/giường/ngày; hay từ 2,5 triệu đồng lên 3,8 triệu đồng/giường/ngày…

Một số bệnh viện hạng I của Hà Nội cho biết, việc ban hành Thông tư 13 là đúng, nhưng việc ban hành khung giá cố định như hiện nay chưa hợp lý. GS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ: “Khung giá để tính chi phí dịch vụ theo yêu cầu của Thông tư 13 còn có vướng mắc, do không bao phủ các loại hình dịch vụ kỹ thuật. Với đặc thù sản khoa, ngoài dịch vụ kỹ thuật thì người bệnh có nhiều nhu cầu chăm sóc trước, trong và sau sinh khác nhưng lại không nằm trong quy định của Thông tư 13. Do vậy, với quy định giá dịch vụ yêu cầu như hiện nay đang gây khó cho bệnh viện”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi một số bệnh viện nhanh chóng công bố giá mới về dịch vụ y tế theo yêu cầu thì vẫn còn nhiều bệnh viện đang trong quá trình xây dựng để có mức giá theo quy định của Thông tư 13. Những bệnh viện này, hầu hết đều đang thu dưới mức giá trần của Thông tư. “Bộ Y tế cho các bệnh viện rà soát đến trước 31/12/2024. Bệnh viện thành lập Tổ rà soát thực hiện Thông tư 13 và đang rà soát về cơ sở vật chất, kỹ thuật nào được thực hiện theo yêu cầu…Vướng mắc hiện tại là các dịch vụ kỹ thuật cần phải có định mức kỹ thuật. Ví dụ, viêm ruột thừa định mức thu bao nhiêu là giá dịch vụ và định mức giá bình thường là bao nhiêu. Hiện Bộ Y tế mới đang xây dựng và chúng tôi đang chờ”, TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết.

Theo ông Thường, hiện nay Bệnh viện Đức Giang đang có 36 dịch vụ theo yêu cầu và giá các dịch vụ này đều dưới mức trần của Thông tư 13. Giá giường dịch vụ của bệnh viện hiện là 300-400 nghìn đồng/giường, giường cao nhất 600 nghìn đồng. Khi được hỏi, liệu Bệnh viện Đức Giang có điều chỉnh tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu không, ông Thường cho biết, còn phải phụ thuộc vào phân khúc khách hàng mới có điều chỉnh giá hay không.

Tương tự, nhiều bệnh viện đang áp dụng giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu dưới mức trần cũng chưa có điều chỉnh giá, bởi nếu tăng giá sẽ không thu hút được đông người bệnh. “Chúng tôi chưa có điều chỉnh tăng giá giường dịch vụ hay giá các dịch vụ khác, vẫn giữ như hiện tại, bệnh viện còn đang xây dựng và tính toán sao cho hợp lý, đúng với quy định của Thông tư 13”, PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương cho biết.

Nhiều người đặt câu hỏi, với việc giảm giá và giảm sâu nhiều dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu ở một số bệnh viện, thì việc mức giá dịch vụ trước ngày 15/8 các bệnh viện xây dựng căn cứ vào đâu? Theo đại diện Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế), trước đây khi Bộ Y tế chưa ban hành khung giá (Thông tư 13), thì các bệnh viện tự xây dựng giá dịch vụ theo yêu cầu với “muôn hình, muôn vẻ”, người bệnh không có sự lựa chọn. Tại Thông tư 13, khung giá quy định là giá bình quân qua khảo sát giá dịch vụ theo yêu cầu ở các bệnh viện và được tính toán theo phương pháp “hồi quy tuyến tính”. Cơ quan này đã mất 5 năm để xây dựng và ban hành Thông tư quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ông Vũ Thành Nam, thành viên ban soạn thảo Thông tư 13 cho biết, trước khi xây dựng khung giá, Bộ Y tế đã gửi công văn cho hầu hết các bệnh viện công về việc lập báo cáo giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu mà cơ sở đang thực hiện để làm cơ sở xây dựng giá. Tuy nhiên, Bộ Y tế chỉ nhận được báo cáo của 80 đơn vị, trong khi cả nước có hơn 1.300 bệnh viện công lập, 135 bệnh viện hạng I trở lên.

Theo Vụ Kế hoạch – Tài chính, phương pháp “hồi quy tuyến tính” được sử dụng để xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Ví dụ, khi Bộ Y tế tổng hợp số liệu một dịch vụ siêu âm tại các cơ sở y tế, có đơn vị báo cáo mức 500 nghìn đồng, nhiều đơn vị đưa ra mức 200 nghìn đồng, cuối cùng, giá trần siêu âm được đưa ra là 196 nghìn đồng. Hoặc với giá khám bệnh, có đơn vị đưa ra giá 800 - 900 nghìn đồng, nhưng một chuỗi đơn vị khác, bao gồm các bệnh viện Trung ương, lại có mức giá cao nhất là 500 nghìn đồng. Không thể lấy giá cá biệt, cao nhất để xây dựng giá trần mà phải đưa về mặt bằng chung, tránh đưa ra giá tối đa quá cao.

Vì vậy, Thông tư 13 sẽ là khung để các bệnh viện bám vào xây dựng giá dịch vụ y tế theo yêu cầu. Theo đó, tại các bệnh viện, nếu giá dịch vụ y tế theo yêu cầu nào cao hơn giá trần thì phải kéo xuống; giá thấp hơn giá trần nếu kéo lên cần phải có cơ sở thuyết minh chi phí. Thông tư cũng chấm dứt tình trạng mỗi nơi một giá, tự các bệnh viện xây dựng “muôn hình, muôn vẻ”, trong đó có những dịch vụ mà người bệnh kêu quá “chát”.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top