Liên kết vùng để điều trị ung thư hiệu quả hơn

15:13 - Thứ Tư, 12/06/2024 Lượt xem: 5420 In bài viết

Trước dấu hiệu gia tăng bệnh nhân ung thư từ các địa phương lân cận dồn về thành phố Hồ Chí Minh để điều trị, ngành Y tế vùng Đông Nam Bộ thống nhất thực hiện kế hoạch liên kết để phòng ngừa, điều trị.

Số bệnh nhân ngoại tỉnh đến khám và điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh có dấu hiệu gia tăng. Ảnh: TT

Gia tăng số ca bệnh ung thư

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, tính đến đầu tháng 6-2024, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện Ung Bướu thành phố tiếp nhận từ 4.700-4.800 bệnh nhân đến khám, khoảng 1.000-1.100 bệnh nhân ngoại trú điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị trong ngày.

Số bệnh nhân nội trú tại Bệnh viện Ung Bướu là 800-900 người, tăng khoảng 10%/năm. Trong đó, 84% bệnh nhân đến từ các tỉnh, thành trong cả nước (tỷ lệ này trước đây là khoảng 75%).

Cơ sở 1 Bệnh viện Ung Bướu thành phố Hồ Chí Minh luôn đông bệnh nhân đến khám. Ảnh: TT

Còn tại một trung tâm điều trị ung thư lớn khác ở thành phố Hồ Chí Minh là Bệnh viện Chợ Rẫy (trực thuộc Bộ Y tế), thống kê của Trung tâm Ung Bướu cho thấy tỷ lệ bệnh nhân ung thư đến khám, chữa bệnh tăng khoảng 25%/năm trong mấy năm qua.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, Giám đốc Trung tâm Ung Bướu cho biết, theo kết quả cuộc điều tra tiến hành năm 2022 được Globocan (một dự án của Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế) công bố hồi tháng 3-2024, Việt Nam có 180.400 ca mắc ung thư mới và 120.000 ca tử vong do bệnh này. 5 loại ung thư đang phổ biến tại Việt Nam lần lượt (theo tỷ lệ tử vong) là ung thư gan, phổi, vú, đại trực tràng, dạ dày. Cũng như các nước đang phát triển, Việt Nam đang và sẽ phải đối mặt với số ca ung thư gia tăng.

Số bệnh nhân ung thư đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy tăng khoảng 25%/năm. Ảnh: TT.

Triển khai đồng bộ các biện pháp

Nhiều chuyên gia nhận định, để ứng phó với số ca ung thư gia tăng, ngành Y tế phía Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp, trọng tâm là nâng cao năng lực khám, điều trị ngay từ tuyến cơ sở đến tuyến cuối; hình thành cơ chế liên kết y tế theo vùng để sớm phát hiện bệnh nhân ung thư, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị căn bệnh này.

Ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, vật lực để khám, điều trị hiệu quả hơn bệnh ung thư. Ảnh: TT.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Tuấn Anh, thời gian qua, do áp dụng đồng bộ 5 giải pháp chính, ngành Ung thư Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển khoa học ứng dụng để khám và điều trị hiệu quả bệnh ung thư, ngang với trình độ các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore.... Tuy nhiên, vẫn có khoảng cách trong điều trị ung thư giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới.

Để rút ngắn khoảng cách này, ông đề xuất ngành Y tế địa phương xem xét, áp dụng các giải pháp, gồm: Trang bị máy móc hiện đại; học hỏi từ chuyên gia nước ngoài; đào tạo chuyên sâu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thường xuyên cập nhật cách làm mới; tối ưu hóa chi phí điều trị ung thư để thu hút người bệnh nước ngoài đến Việt Nam điều trị, mang lại cơ hội tiếp cận lâm sàng và kinh nghiệm điều trị phong phú hơn.

Còn Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng, Chủ tịch danh dự Hội Ung thư Việt Nam cho biết, mới đây, lãnh đạo ngành Y tế các tỉnh Đông Nam Bộ cùng các chuyên gia về phòng, chống ung thư đã bàn thảo về việc thành lập “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng”.

Lãnh đạo ngành Y tế Đông Nam Bộ cùng các chuyên gia hàng đầu về phòng, chống ung thư dự Hội nghị đồng thuận về xây dựng và phát triển mạng lưới phòng, chống ung thư vùng. Ảnh: TT.

“Mạng lưới có ý nghĩa chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ, chăm sóc ở tuyến cuối cho đến cộng đồng, không chỉ khu trú ở thành phố Hồ Chí Minh mà còn cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ...”, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Chấn Hùng nói.

Theo đó, các địa phương sẽ phối hợp triển khai 2 nội dung chính. Một là, tiếp tục phát huy hiệu quả và tăng cường hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật từ các bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến bệnh viện địa phương. Hai là, xây dựng và phát triển mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người dân theo chuyên khoa ung thư từ tuyến cơ sở đến tuyến cuối.

Ngành Y tế Đông Nam Bộ đồng thuận phối hợp phòng, chống bệnh ung thư. Ảnh: TT

Nói rõ hơn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, ngành Y tế vùng Đông Nam Bộ đã thống nhất xây dựng 3 cấp độ của “Mạng lưới phòng, chống ung thư vùng”, gồm: Cấp chăm sóc ban đầu (đẩy mạnh hoạt động phòng ngừa bệnh ung thư trong cộng đồng). Cấp chăm sóc cơ bản (hình thành các cơ sở khám, chữa bệnh đủ năng lực cho người dân tại địa phương).

"Cấp thứ ba là chăm sóc chuyên sâu, tập trung đầu tư phát triển các trang thiết bị hiện đại, chuẩn hóa nguồn nhân lực chuyên khoa ung thư để nâng cao hơn nữa chất lượng khám và điều trị cho người bệnh. Ngành Y tế mỗi địa phương sẽ tham mưu UBND cấp tỉnh thông qua và thực hiện kế hoạch này”, ông Tăng Chí Thượng thông tin.

 

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top