Video

Nỗi niềm mùa gặt

Chủ Nhật, 06/10/2024 20:36 Lượt xem: 9382 In bài viết

ĐBP - Cùng với nhiều địa phương, Mường Pồn thời điểm này cũng đang bước vào mùa gặt. Thế nhưng thay vì hình ảnh những cánh đồng vàng trĩu bông, giờ đây nhiều diện tích lúa vẫn nằm sâu trong lớp bùn đất dày, xám xịt. Trên nét mặt của mỗi người nông dân nơi đây vẫn nặng những nỗi suy tư, khi kế sinh nhai không còn...

Khu vực này là diện tích khai hoang trồng lúa nước rộng 3.000m2 của gia đình ông Lò Văn Thái, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn. Do có vị trí ở cạnh khe suối nên đợt mưa lũ vừa qua, bùn đất tràn về đã vùi lấp khoảng 2.000m2, không thể tự khắc phục được. Diện tích lúa còn lại do hệ thống kênh dẫn nước bị hỏng, không đủ nước cung cấp cho đồng ruộng nên năng suất, chất lượng giảm hẳn. Cũng bởi vậy, dù chưa ra đồng thu hoạch lúa nhưng nỗi buồn của ông Thái về một vụ mùa thất thu thì đã hiện hữu.

Đầu vụ mùa 2024, gia đình bà Lường Thị Biên, bản Lĩnh, xã Mường Pồn phấn khởi gieo cấy 4.000m2 lúa ruộng. Thế nhưng khi diện tích lúa đang ở thời kỳ xanh tốt nhất thì trận lũ quét tràn về đã vùi lấp gần như tất cả. Nếu vụ trước 4.000m2 lúa cho thu gần 50 bao thóc thì vụ mùa này chỉ còn vớt vát được 2 bao.

Thời điểm này mọi năm, trên cánh đồng Mường Pồn rộn ràng tiếng người đi gặt, tiếng máy tuốt lúa thì giờ đây nhiều diện tích chỉ còn là đồng không mông quạnh, lưa thưa vài cây lúa. Trên những diện tích may mắn không bị ảnh hưởng, người dân cũng đang tranh thủ thời tiết nắng ráo ra đồng gặt lúa. Nhằm giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn kịp thời thu hoạch mùa màng, người dân, thanh niên các bản đang chung tay, giúp nhau gặt lúa.

Lũ dữ đi qua, việc hỗ trợ ban đầu đã được triển khai tích cực. UBND huyện Điện Biên đã chỉ đạo xã Mường Pồn khẩn trương hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm; đồng thời rà soát, lập danh sách đánh giá mức độ thiệt hại của từng gia đình để lập phương án hỗ trợ đúng đối tượng, phù hợp nhu cầu. Hiện tại, huyện Điện Biên hỗ trợ 61 tấn gạo trong thời gian 3 tháng cho 336 hộ ở 6 bản để ổn định đời sống.

Sau trận lũ, hơn 123ha đất sản xuất ở Mường Pồn bị vùi lấp, cuốn trôi. Trong số đó, có 66,5ha bị vùi lấp bởi một lớp đất đá dày đặc, người dân không thể tự khắc phục; 48,5 ha ruộng lúa bị ảnh hưởng một phần… Với người dân thuần nông ở nơi đây, mất ruộng là mất hết… Không còn tư liệu sản xuất chính, điều người dân lo lắng nhất đó là kế sinh nhai để đảm bảo cho cuộc sống lâu dài.

Những thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp do mưa lũ gây ra không thể khôi phục trong một sớm một chiều mà cần có thời gian vì liên quan thời vụ, thời gian cải tạo đất. Do đó, khôi phục sản xuất theo phương châm "lấy ngắn nuôi dài"  là giải pháp trước mắt đang được huyện Điện Biên triển khai.

Cùng với tích cực triển khai các giải pháp khắc phục hậu quả sau trận lũ quét, huyện Điện Biên cũng đang sát sao chỉ đạo cán bộ huyện cùng cán bộ xã Mường Pồn tuyên truyền, hướng dẫn người dân chủ động góp sức cải tạo đất ruộng, đất nương và chuyển đổi cây trồng. Cùng với đó là vận động, hướng dẫn người dân chăn nuôi gia cầm để chủ động thực phẩm. Mục tiêu trước mắt là tới Tết Nguyên đán Ất Tỵ này, người dân chuẩn bị được một phần lương thực và thực phẩm bằng trồng trọt, chăn nuôi.

Thu Hằng – Quang Hùng

Back To Top