Video

Đảng bộ tỉnh Điện Biên: 75 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành

Thứ Tư, 09/10/2024 21:02 Lượt xem: 7626 In bài viết

ĐBP - Ngược dòng thời gian trở lại 75 năm về trước, ngày 10/10/1949, Ban Cán sự Đảng tỉnh Lai Châu (nay là Đảng bộ tỉnh Điện Biên và Lai Châu) được thành lập. Sau đó gần 2 tháng, Chi bộ Đảng tỉnh Lai Châu ra đời (ngày 02/12/1949). Những sự kiện này đã khẳng định sự trưởng thành của phong trào cách mạng của tỉnh. Từ đây phong trào đấu tranh của nhân dân địa phương đã có tổ chức Đảng trực tiếp lãnh đạo, đánh dấu bước ngoặt trong đời sống chính trị của đồng bào các dân tộc 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên.

Ngay sau khi được thành lập, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã nêu cao trách nhiệm, khắc phục khó khăn, tăng cường lãnh đạo củng cố tổ chức; gần dân, sát dân để gây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng các tổ chức, lực lượng vũ trang, đưa ánh sáng của Đảng tới đồng bào. Trong thời gian ngắn, các cơ sở cách mạng được thành lập, phát triển tại các huyện: Quỳnh Nhai (nay thuộc tỉnh Sơn La), Tuần Giáo và Điện Biên (tỉnh Điện Biên); khu căn cứ cách mạng, đội du kích ra đời ở các xã: Pú Nhung, Toả Tình, Ta Ma, Phình Sáng (huyện Tuần Giáo); Pu Nhi, Sa Dung, Phì Nhừ (huyện Điện Biên Đông). Từ một Chi bộ Đảng tỉnh Lai Châu (tiền thân của Đảng bộ tỉnh Điện Biên ngày nay) với 20 đảng viên được thành lập tại bản Lướt, xã Mường Kim, huyện Than Uyên (nay thuộc tỉnh Lai Châu), sau 75 năm, trải qua 14 kỳ đại hội, Đảng bộ tỉnh Điện Biên ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay, Đảng bộ tỉnh có 14 đảng bộ trực thuộc, với 616 tổ chức cơ sở Đảng và 48.162 đảng viên. Đặc biệt là hiện nay, 100% các thôn, bản trên địa bàn tỉnh đều đã có đảng viên và thành lập chi bộ độc lập, không còn thôn, bản chưa có tổ chức Đảng. Trong suốt thời gian qua, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã không ngừng phấn đấu và trưởng thành về mọi mặt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng bộ qua từng thời kỳ.

Từ trận địa đầy bom đạn, hầm hào, cánh đồng Mường Thanh nay đã trải dài một màu xanh bát ngát, trở thành vựa lúa lớn nhất Điện Biên. Với diện tích 3.990ha, năng suất bình quân trên 60 tạ/ha, cánh đồng Mường Thanh mang lại hơn 40 nghìn tấn thóc mỗi năm, cung cấp các loại gạo đặc sản nổi tiếng khắp cả nước như: Séng cù, nếp nương, tám thơm… được người tiêu dùng ưa chuộng và sử dụng.

Trên nền chiến trường lịch sử, Điện Biên không ngừng đổi mới và phát triển. Phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, ngành, tổ chức trong hệ thống chính trị tạo ra những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Nhất là trong 10 năm trở lại đây, Điện Biên đã có nhiều đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến hết năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh GRDP đã đạt trên 7%, đạt cao so với bình quân chung của cả nước. Với việc quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, diện mạo đô thị, nông thôn chiến trường Điện Biên Phủ nay đã đổi mới. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư với các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, phát triển đô thị, dịch vụ, điểm nhấn quan trọng như: Dự án đầu tư xây dựng, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ; dự án Đường 60m và Hạ tầng kỹ thuật khung; Đền thờ liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ... Thực hiện việc xóa nhà tạm, dột nát cho người nghèo, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, từ năm 2015 - 2023, Điện Biên đã làm mới và sửa chữa trên 9.700 ngôi nhà đại đoàn kết. Đặc biệt là chỉ sau 9 tháng triển khai, đến ngày 24/1/2024, tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 5.000 căn nhà cho hộ nghèo đưa vào sử dụng, giúp người dân sớm an cư, lạc nghiệp. Để mang ánh sáng đến cho người dân vùng sâu, vùng xa, tỉnh Điện Biên tiếp tục tập trung thực hiện Chương trình “Bừng sáng Điện Biên” đầu tư hạ tầng điện lưới quốc gia đến 7 huyện, cấp điện cho hơn 5.300 hộ dân, với tổng mức đầu tư 1.260 tỷ đồng…

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội của Điện Biên đã không ngừng phát triển. Nhiều năm trở về trước, ngành Y tế Điện Biên đối mặt với nhiều khó khăn và lạc hậu. Cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị y tế gần như không có, đội ngũ cán bộ y tế còn khiêm tốn. Vậy nên, công tác chăm sóc sức khỏe của người dân cũng chưa được chú trọng; chưa được tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại như ngày nay, bà con chủ yếu chữa bệnh bằng các bài thuốc và kinh nghiệm dân gian. Sau 75 năm dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ tỉnh, đến nay, Điện Biên đã có 4 bệnh viện tuyến tỉnh, 100% xã, phường có trạm y tế và 81% bản có nhân viên y tế thôn, bản. Nhờ nỗ lực không ngừng, chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân đã được cải thiện rõ rệt, với nhiều thành tựu y học hiện đại được áp dụng hiệu quả.

Cùng với y tế, lĩnh vực giáo dục cũng có nhiều chuyển biến rất tích cực. Từ những mái trường tranh tre, lán nứa tạm bợ năm nào, giờ đây hệ thống, quy mô, mạng lưới giáo dục đào tạo của tỉnh tiếp tục được mở rộng, cơ sở vật chất trường học ngày một khang trang, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hiện có hơn 480 cơ sở giáo dục đào tạo, với 7.540 lớp, trên 212.900 học sinh, sinh viên. Trong đó, khoảng 360 trường mầm non và phổ thông được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Đội ngũ cán bộ, giáo viên ngày càng phát triển mạnh cả về chất và số lượng với hơn 15 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Đến nay, số người trong độ tuổi 15 - 60 toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn biết chữ mức độ 1 đạt gần 97%; chuẩn biết chữ mức độ 2 là trên 88%.

Nhiều năm qua, phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng có nhiều dấu ấn nổi bật. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 153 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu và 3 xã sẽ được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ tỉnh, các chương trình giảm nghèo, an sinh xã hội chăm lo đời sống cho người dân đã đạt nhiều kết quả tích cực, Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo trung bình hằng năm giảm trên 4%... Những đổi thay đó là minh chứng cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu mạnh mẽ, quyết liệt của Đảng bộ tỉnh, các tổ chức cơ sở Đảng trên chặng đường 75 năm đấu tranh, xây dựng và trưởng thành.

Với những kết quả đạt được trong 75 năm qua, Đảng bộ, quân và Nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã vinh dự, tự hào được Đảng, Nhà nước trao tặng những phần thưởng và danh hiệu cao quý. Phát huy tinh thần đoàn kết các dân tộc, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và những thành tựu đã đạt được, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trong điều kiện thực tiễn. Cùng với đó là tăng cường mối quan hệ gắn bó giữa Đảng với Nhân dân; tập trung phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn.

Phạm Quang

Back To Top