Pháp luậtAn ninh, trật tự

Khó kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã

09:42 - Thứ Hai, 04/09/2023 Lượt xem: 7623 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm; ngăn chặn các hành vi mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Ðiển hình là ngày 1/8/2023, Hạt Kiểm lâm huyện Ðiện Biên phối hợp với Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật - Vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành làm thủ tục tiếp nhận và bàn giao 1 cá thể tê tê Java do người dân xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên tự nguyện giao nộp. Cá thể tê tê Java (Manis javanica), nhóm IB thuộc Phụ lục I - Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định số 84/2021/NÐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ.

Trước đó ngày 21/3/2023, Ðội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra đột xuất xe ô tô khách mang biển số 27F-000.43 của nhà xe Hưng Trang thuộc Công ty TNHH Long Giang do ông Nguyễn Quốc Phong (trú tại tỉnh Hưng Yên) điều khiển. Kiểm tra khoang chứa đồ của xe phát hiện 3 hộp bìa cát tông có đục lỗ, bên trong có 67 cá thể chim. Trong đó, 9 cá thể chim kim oanh tai bạc (thuộc nhóm IIB), 40 cá thể khướu bạc má (nhóm IIB), 12 cá thể chim chích chòe lửa (phụ lục II CITES) và 6 cá thể chim chào mào. Tại thời điểm kiểm tra, ông Phong không xuất trình được giấy tờ, hồ sơ chứng minh nguồn gốc lâm sản.

Người dân xã Thanh Xương, huyện Ðiện Biên bàn giao cá thể tê tê Java cho lực lượng chức năng.

Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện động vật rừng thông thường gồm: 228 cá thể chim chào mào, chim di, yến phụng, sáo đá, chích chòe than; 6 cá thể nhím, don với trọng lượng 23kg. Ðộng vật rừng nguy cấp quý hiếm có: 9 cá thể chim kim oanh tai bạc (IIB), 40 cá thể chim khướu bạc má; 12 cá thể chim chích chòe lửa; 9 cá thể họa mi, chích chòe than; 32 cá thể cầy vòi mốc, cầy vòi hương, kỳ đà, trăn đất với trọng lượng 108,4kg. Tổng số tiền phạt, nộp ngân sách hơn 100 triệu đồng.

Xác định công tác đấu tranh phòng ngừa việc vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã là nhiệm vụ quan trọng, lực lượng kiểm lâm trên địa bàn tỉnh tích cực bám nắm địa bàn; phối hợp với các lực lượng chức năng bắt giữ các đối tượng liên quan đến việc săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã. Ðồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức bảo vệ động vật hoang dã cho nhân dân với nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp bằng tiếng phổ thông, tiếng Mông, Thái, phát trên hệ thống loa truyền thanh của thôn, bản. Qua đó, nâng cao nhận thức, ý thức trong bảo vệ động vật hoang dã gắn với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Mặc dù vậy, thời gian qua, nhiều trường hợp thông tin về các vụ vi phạm do người dân cung cấp bị rò rỉ trước khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, dẫn đến việc các đối tượng vi phạm kịp thời tẩu tán hoặc cất giấu cá thể, sản phẩm của động vật hoang dã. Ngoài ra, nhận thức của nhiều người dân về tầm quan trọng của công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã còn hạn chế, dẫn đến tình trạng săn, bẫy, nuôi, nhốt động vật hoang dã trái phép xảy ra. Ðặc biệt là lợi nhuận từ việc buôn bán động vật hoang dã rất lớn nên các đối tượng hoạt động vô cùng tinh vi, sử dụng xe có thiết kế ngăn, đáy bí mật để cất giấu động vật hoang dã. Phương thức vận chuyển có sự liên kết chặt chẽ như: Dò đường, giám sát lại hoạt động của các cơ quan chức năng. Vì vậy gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện, nắm bắt thông tin vụ việc.

Toàn tỉnh hiện có 73 cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; trong đó, 14 cơ sở nuôi động vật nguy cấp, quý hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc phụ lục CITES; 59 cơ sở nuôi động vật thông thường. Số lượng cá thể nuôi tại các cơ sở không lớn, loài nuôi chủ yếu là rắn hổ mang một mắt kính (1.059 cá thể), cầy vòi thuốc (94 cá thể), hươu sao (191 cá thể), dúi (1.951 cá thể). Hiện nay việc cho phép gây nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản một số loài động vật hoang dã như: Rắn hổ mang thường, dúi mốc nhỏ, dúi má đào… gây khó khăn cho người dân và các cơ quan chức năng trong việc phân biệt đâu là động vật gây nuôi hợp pháp, đâu là động vật có nguồn gốc từ tự nhiên. Trong khi đó, chưa có quy định rõ ràng về tang vật là các loài động vật hoang dã còn sống sẽ được chăm sóc, cứu hộ bởi cơ quan nào trước khi có kết luận giám định. Ðối với vật chứng là động vật hoang dã, trong quá trình tạm giữ, điều tra cần phải tiến hành giám định, định giá theo quy định kết hợp với việc cứu hộ, chăm sóc, bảo quản vật chứng hay tái thả động vật về tự nhiên. Trong khi vật chứng là động vật còn sống thường bị bệnh, ốm yếu do bị bẫy bắt hoặc nuôi nhốt lâu ngày, cần chế độ chăm sóc đặc biệt. Song thực tế, lực lượng kiểm lâm chưa được đào tạo bài bản về thú y, không có cơ sở chuồng trại nuôi, giữ chuyên dụng. Chưa kể việc lưu giữ lâu dài có thể khiến các cá thể bị chết trước khi bàn giao cho cơ quan cảnh sát điều tra. Công tác giám định đối với động vật hoang dã cũng gặp nhiều khó khăn, mất rất nhiều thời gian cho quá trình giải quyết vụ án vì phải chờ kết quả giám định, thủ tục giám định phức tạp và tốn nhiều chi phí.

Bài, ảnh: Ðức Kiên
Bình luận

Tin khác

Back To Top