Xã hộiChuyển đổi số

Xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp

09:48 - Thứ Sáu, 22/09/2023 Lượt xem: 2787 In bài viết

ĐBP - Xây dựng chính quyền số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện trong những năm qua. Trong đó, ưu tiên hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành, triển khai nhiệm vụ. Ðổi mới hoạt động của bộ máy chính quyền, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Người dân lấy số thứ tự tự động khi đến giao dịch tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả huyện Mường Ảng. Ảnh: Tuấn Anh

Có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Mường Ảng, chứng kiến hệ thống máy móc hiện đại, bố trí khoa học thuận tiện cho người dân đến giao dịch, cán bộ niềm nở nhiệt tình chúng tôi phần nào nhận thấy được hiệu quả công các cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số của địa phương. Trò chuyện với anh Phạm Thế Hoàn, người dân thị trấn Mường Ảng đến giao dịch, anh Hoàn cho biết: Hôm nay tôi đến nộp hồ sơ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình. Tại đây được trang bị máy móc rất hiện đại từ màn hình cỡ lớn thông báo các thủ tục hành chính, máy lấy số thứ tự tự động và máy tính tra cứu, hướng dẫn hồ sơ thủ tục hành chính rất tiện lợi. Tôi cần tìm hiểu về thủ tục làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vào tra cứu máy tính sẽ hiển thị một loạt các giấy tờ cần có. Tôi thấy rất hài lòng.

Huyện Mường Ảng được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu trong công tác chyển đổi số của tỉnh. Ông Tô Trọng Thiện, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Trên cơ sở các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, UBND huyện đã ban hành các văn bản, kế hoạch, quyết định nhằm thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện. Hiện nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được trang bị máy tính đạt 100%; 100% xã, thị trấn được kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao của tỉnh, đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin, kết nối ổn định. Tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND huyện đạt 100%; tỷ lệ sử dụng văn bản điện tử của UBND cấp xã đạt trên 96%, tỷ lệ văn bản điện tử ban hành có ký số đạt 99,1%. Qua đó, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.

Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Mọi hoạt động của của các cơ quan Nhà nước được ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn, giúp giảm thiểu thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thời gian qua UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện. Xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đảm bảo ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ các cơ quan Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở. Ðến nay, tỷ lệ máy tính/cán bộ công chức trong các cơ quan Nhà nước các cấp đạt 100%. 100% cơ quan Nhà nước các cấp có mạng nội bộ (LAN) kết nối mạng internet băng rộng và kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Ðảng, Nhà nước. Hệ thống Quản lý văn bản và hồ sơ công việc của tỉnh đã được kết nối liên thông vào Trục liên thông văn bản quốc gia với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và 100% cơ quan, đơn vị các cấp (tỉnh, huyện, xã) trong tỉnh. Tỷ lệ văn bản điện tử có ký số đạt 98%. 100% sở, ngành và tương đương có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 80% trở lên; 100% các phòng thuộc UBND cấp huyện có tỷ lệ xử lý văn bản, hồ sơ công việc trên môi trường mạng đạt 50% trở lên.

 Thực hiện mục tiêu chuyển đổi số, ngày 29/6/2021, HÐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 22/NQ-HÐND về chủ trương đầu tư dự án: Xây dựng nền tảng công nghệ thành phố thông minh tỉnh Ðiện Biên. Ðến nay dự án đang được triển khai, hiện đã hoàn thành 5 hạng mục của dự án gồm: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của Trung tâm giám sát điều hành đô thị thông minh; Thiết bị và phần mềm họp không giấy tờ; Phần mềm phản ánh hiện trường (Smart DienBien); Hệ thống giám sát thông tin trên môi trường mạng; Phần mềm quản lý camera cho phép quản lý ghi hình, phát trực tiếp đồng thời nhiều camera, xem lại đồng thời video đã lưu của nhiều camera.

Triển khai giải pháp họp không giấy cho các cuộc họp của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Tỉnh ủy, kỳ họp của HÐND và UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Hệ thống hội nghị trực tuyến kết nối 100% xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh (hệ thống được kết nối từ Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh đến 129 xã phường). Chất lượng, số lượng cuộc họp trực tuyến ngày càng tăng: Năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay đã thực hiện trên 94 hội nghị trực tuyến, trong đó có 21 phiên họp 4 cấp, 5 phiên quốc tế).

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp, công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền số của tỉnh Ðiện Biên đã đạt được những kết quả tích cực. Năm 2021, tỉnh Ðiện Biên xếp hạng thứ 24/63 tỉnh, thành phố cả nước về chỉ số cải cách hành chính, trong đó lĩnh vực “Hiện đại hóa hành chính” đạt 14,21/15 điểm; chỉ số chuyển đổi số xếp hạng thứ 37/63 tỉnh, thành phố. Năm 2022, xếp hạng thứ 22 cả nước về chỉ số cải cách hành chính; trong đó lĩnh vực xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 11,46/13,5 điểm; chỉ số chuyển đổi số xếp hạng thứ 35/63 tỉnh, thành phố (tăng 2 bậc so với năm 2021).

Tuấn Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top