Du lịchĐất và người Điện Biên

Những phong tục đón tết độc đáo

08:29 - Chủ Nhật, 06/02/2022 Lượt xem: 41116 In bài viết

Lễ Tạ ơn của người Thái đen

Những ngày đầu năm mới, người Thái đen Điện Biên tổ chức Lễ Tạ ơn. Đây là nghi lễ bắt buộc, duy nhất một lần trong cuộc đời mỗi gia đình người con và phải tổ chức khi cha, mẹ vợ còn sống.

Gia chủ đón khách đến dự Lễ Tạ ơn của người Thái đen. Ảnh: Phương Liên

Để tạ ơn bố mẹ vợ, người làm lễ thường mổ 1 con trâu và 1 con lợn để làm cỗ. Khi những người thân trong gia đình đang tất bật chuẩn bị cỗ, thì thầy cúng bản giúp vợ chồng anh làm nghi thức dâng lễ vật, tặng quà cho bố mẹ. Lễ vật gồm 1 thủ lợn, 1 gà luộc, mâm xôi, hoa quả, rượu và những món quà đã chuẩn bị từ trước là 1 đôi vòng tay bằng vàng dành cho mẹ vợ và bộ quần áo dành cho bố vợ. Tới giờ đẹp, thầy cúng và vợ chồng người con mang lễ vật lên nhà tặng bố mẹ, sau đó thầy cúng làm lễ, đọc lời cúng bằng tiếng dân tộc Thái, mời gọi thần linh, tổ tiên về chứng kiến Lễ Tạ ơn, đồng thời cầu cúng cho gia đình có sức khỏe dồi dào, cha mẹ được sống lâu trăm tuổi, con cái làm ăn thuận lợi, cuộc sống gia đình được đủ đầy, no ấm hơn.

Tục xem bói gan lợn của người Hà Nhì

Theo phong tục lễ tết truyền thống của người dân tộc Hà Nhì, mỗi gia đình đều nuôi một con lợn đực. Vào ngày đầu năm, họ sẽ đem lợn đi thiến, để dành Tết năm sau thì mổ con lợn đó để làm lễ cúng gia tiên. Thịt lợn là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của đồng bào Hà Nhì, dù gia đình đó khá giả hay nghèo túng.

Tục xem gan lợn của người Hà Nhì được lưu truyền từ lâu đời. Ảnh: C.T.V

Khi mổ lợn để làm cỗ đón năm mới, người Hà Nhì đặc biệt chú ý đến lá gan. Nếu lá gan lợn lành lặn, màu sắc tươi đỏ, túi mật căng đầy thì năm đó việc chăn nuôi, làm ăn sẽ phát triển, thời tiết thuận hòa, gia đình hạnh phúc.

Tục cúng thủ lợn của dân tộc Xạ Phang

Dân tộc Xạ Phang tỉnh Điện Biên đón tết cùng vào thời điểm Tết Nguyên đán cổ truyền của cả nước, kéo dài từ ngày 30 tháng 12 (âm lịch) đến ngày 15 tháng giêng của năm mới.

Người Xạ Phang Điện Biên lấy thịt lợn hun khói ăn tết. Ảnh: Thu Hằng

Vào chiều 30 tết, gia đình mổ gà cúng gia tiên. Trong mâm cúng không thể thiếu bánh trôi, bánh chay, các loại quả như cam, quýt, bưởi cùng các loại hoa quả khác tượng trưng cho ngũ hành: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Mỗi gia đình sẽ cố gắng nuôi một con lợn để cuối năm mổ đón tết. Họ chế biến thành thịt hun khói, phù hợp với việc bảo quản. Lợn được mổ ra, làm sạch, nội tạng làm thức ăn để mời anh em trong gia đình, bạn bè cùng ăn. Riêng đầu lợn và một chân trước, một chân sau để dành đến ngày 30 tết (âm lịch) cúng tổ tiên.

Lễ nhảy lửa của người Dao ở Pa Tần

Người Dao ở bản Huổi Sâu, xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) đón xuân vào tháng Giêng. Lễ nhảy lửa là một nghi thức diễn ra vào dịp tết, được mỗi dòng họ tổ chức 2 - 3 năm một lần hoặc nhiều hơn tùy điều kiện của từng dòng họ, vào ngày mùng 1 - 5 tháng Giêng, tại nhà trưởng họ. Đây là một nghi thức kế tục của nghi lễ cúng Bàn Vương nhằm bảo vệ gia đình, dòng tộc, bản làng, mong cầu thần linh phù hộ bình an, thịnh trị và xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng mùa màng bội thu.

Người Dao ở xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) trong lễ nhảy lửa dịp đầu năm mới. Ảnh: Hải Yến

Để chuẩn bị cho lễ nhảy lửa, trước đó nhiều ngày các gia đình trong dòng họ họp bàn, thống nhất chọn giờ lành và các lễ vật dâng lên các vị thần linh. Lễ cầu may, cầu phúc vừa xong cũng là lúc đống củi được đốt lên ngoài sân trước đó đã thành một đống than hồng. Bất cứ người đàn ông nào cũng có thể tham gia và nhảy lửa nhiều lần khi đã được thầy cúng “nhập” cho một sức mạnh vô hình của thần linh che chở, bảo vệ không bị bỏng.

Lễ nhảy lửa là nét sinh hoạt văn hóa tinh thần độc đáo của đồng bào Dao đỏ, có ý nghĩa giáo dục lòng can đảm, đương đầu với khó khăn, thử thách của con người; chứa đựng niềm tin, hướng cộng đồng tới cái thiện, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Phạm Dương (tổng hợp)
Bình luận
Back To Top