Giáo dụcKhoa học

Đẩy mạnh nghiên cứu KHCN trong học sinh, sinh viên

05:43 - Thứ Tư, 20/04/2022 Lượt xem: 68788 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) trong quản lý, dạy và học đã được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh ta quan tâm, đẩy mạnh; tạo nên chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường, đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một mô hình sáng tạo khoa học công nghệ đang được giáo viên, học sinh sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên sử dụng trong quá trình giảng dạy.

Khuyến khích nghiên cứu KHCN

Xác định nghiên cứu KHCN là tiền đề để nâng cao chất lượng đào tạo, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác nghiên cứu KHCN trong học sinh, sinh viên (HSSV) và thực hiện các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ. Nhờ đó, hoạt động nghiên cứu KHCN có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, nội dung phong phú, thuộc nhiều lĩnh vực, chủ yếu phục vụ việc học tập và rèn luyện, hướng tới khả năng ứng dụng cao trong thực tiễn. Triển khai thực hiện chỉ đạo của Sở, các đơn vị giáo dục đã đẩy mạnh tuyên truyền rộng khắp đến HSSV về các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, phân công các tổ chuyên môn hướng dẫn HSSV nghiên cứu KHCN ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Dưới sự hướng dẫn của giảng viên, giáo viên, HSSV được tham gia nghiên cứu, chế tạo, tạo ra các dự án, sản phẩm KHCN phục vụ yêu cầu sản xuất, lao động, học tập trong đời sống xã hội.

Ngay từ khi thành lập, Trường THPT Lương Thế Vinh đã định hướng giáo dục toàn diện, trong đó giáo dục khoa học kỹ thuật, ý tưởng sáng tạo được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hướng học sinh vận dụng kiến thức được giảng dạy vào giải quyết các vấn đề trong thực tiễn. Qua các kỳ thi sáng tạo khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia, các dự án của trường luôn được đánh giá cao và đạt những kết quả nổi bật, như: Giải tư cấp quốc gia năm 2021, giải triển vọng cấp quốc gia năm 2019… Thầy giáo Hoàng Văn Thông, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Để phát huy hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học kỹ thuật, công nghệ trong học sinh, trường triển khai các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hoạt động giáo dục Steam thông qua các cuộc thi (Tên lửa nước, tái chế chai nhựa, thiết kế kính viễn vọng…). Hàng năm, Trường xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc thi ý tưởng sáng tạo cho học sinh cũng như tích cực đăng ký, hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi sáng tạo thanh thiếu. Từ sự khuyến khích nghiên cứu KHCN của trường sẽ giúp học sinh hình thành và phát triển kỹ năng tư duy logic, khả năng sáng tạo; qua đó, giúp các cơ quan chức năng phát hiện những đề tài có tính khả thi để đầu tư, ứng dụng vào thực tiễn.

Ứng dụng KHCN trong thực tiễn

Thực tế cho thấy, nhiều đề tài nghiên cứu KHCN của HSSV không chỉ giúp nâng cao kiến thức, thỏa mãn đam mê của các em mà còn bám sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào quá trình học tập, sản xuất và đời sống.

Tại Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, với đặc trưng là đào tạo nghề, 70% quá trình học tập thực hành nên hoạt động nghiên cứu KHCN, tự sáng tạo các thiết bị phục vụ công tác giảng dạy luôn được quan tâm. Hàng năm, hoạt động nghiên cứu KHCN của trường luôn được triển khai sâu rộng trong cán bộ giáo viên và HSSV, các khoa chuyên môn thực hiện xây dựng các mô hình dạy học tự làm, các đề tài nghiên cứu khoa học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và tay nghề cho HSSV trong quá trình đào tạo. Đặc biệt, các em cũng rất tích cực tham gia vào quá trình nghiên cứu, xây dựng các mô hình. Nhiều công trình, sản phẩm nghiên cứu KHCN của HSSV được ứng dụng vào thực tiễn, giúp các em tự tin khi tiếp cận với công việc thực tế sau khi tốt nghiệp, đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Có mặt tại Khoa Điện, chúng tôi “mục sở thị” nhiều mô hình thiết thực được giáo viên, HSSV cùng tham gia nghiên cứu, lắp giáp để phục vụ quá trình giảng dạy và học tập, như: Mô hình điều khiển băng tải đếm và phân loại sản phẩm theo chiều cao, mô hình Điều khiển giám sát trạm biến áp 110KV… Đang cùng các bạn tìm hiểu về mô hình điều khiển băng tải đếm và phân loại sản phẩm theo chiều cao, em Quàng Văn Trường, học sinh lớp TCĐCN K12 chia sẻ: Mô hình này như một mô hình ngoài thực tế, lại được giáo viên hướng dẫn nữa nên em dễ hiểu hơn. Thông qua mô hình, em và các bạn có thể dễ dàng thực hành và nắm bắt bài ngay tại lớp.

Theo Tiến sĩ Đoàn Thanh Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên, đến nay, các hoạt động nghiên cứu KHCN của Trường đã thực sự trở thành phong trào thu hút sự tham gia của cán bộ, giảng viên và HSSV. Thông qua hoạt động nghiên cứu KHCN, cơ sở vật chất của Trường được tăng cường, năng lực của cán bộ, giảng viên được nâng cao, góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc nghiên cứu KHCN được coi là động lực quan trọng để phát triển đất nước và tuổi trẻ là lực lượng nòng cốt để nắm bắt và làm chủ khoa học. Chính vì vậy, việc đẩy mạnh và khuyến khích phong trào nghiên cứu KHCN trong các nhà trường chính là nền tảng để thổi bùng đam mê, cảm hứng yêu khoa học trong HSSV. Qua đó, phát huy tối đa sức sáng tạo của tuổi trẻ, thi đua học tập, rèn luyện, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận
Back To Top