Kinh tếNông thôn mới

Chủ động, linh hoạt trong xây dựng nông thôn mới

08:13 - Thứ Hai, 26/06/2023 Lượt xem: 2736 In bài viết

ĐBP - Giai đoạn 2021 - 2025, quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) nhiều khó khăn, thách thức hơn bởi chất lượng các tiêu chí nâng cao hơn trước. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong quá trình thực hiện.

Để duy trì tiêu chí về môi trường, thời gian qua xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé triển khai nhiều giải pháp. Trong ảnh: Người dân xã Sín Thầu san nền xây dựng lò đốt rác.

Hiện nay, toàn tỉnh có 21 xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, kết quả đạt chuẩn NTM giữa các địa phương trong tỉnh vẫn còn chênh lệch lớn, xã NTM chủ yếu tập trung trên địa bàn huyện Điện Biên và TP. Điện Biên Phủ. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 4 huyện (Mường Chà, Tuần Giáo, Điện Biên Đông và Tủa Chùa) “trắng” xã NTM. Chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả của một số xã sau đạt chuẩn còn hạn chế; cơ sở hạ tầng ở một số xã đã có dấu hiệu xuống cấp do chưa được quan tâm, duy tu bảo dưỡng thường xuyên.

Mặc dù đã nỗ lực triển khai chương trình xây dựng NTM, chọn xã điểm thực hiện, nhưng đến nay huyện Tủa Chùa chưa có xã nào được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong quá trình triển khai thực hiện, các xã đều gặp khó khăn về tiêu chí hộ nghèo, thu nhập, giao thông...

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Bình quân các xã trên địa bàn huyện mới đạt 10,7 tiêu chí/xã (chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết của Đảng bộ huyện đề ra). Nguyên nhân do nguồn lực đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; trong khi xuất phát điểm của các xã trên địa bàn thấp, đời sống người dân còn khó khăn đã ảnh hưởng lớn đến quá trình triển khai thực hiện.

Một điểm chung trong quá trình xây dựng NTM là hầu hết các xã tập trung nguồn lực vào các tiêu chí: Hạ tầng, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa... dẫn đến các tiêu chí “mềm” ít được quan tâm, đầu tư. Đơn cử xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên), một trong những khó khăn lớn nhất của xã trong xây dựng tiêu chí môi trường là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại. Hiện nay người dân chưa có điều kiện và kỹ thuật trong xử lý nước thải sinh hoạt. Việc xử lý chất thải độc hại là vỏ thuốc bảo vệ thực vật, dù UBND xã đã xây dựng bể thu gom nhưng ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa tốt. Tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường mới đạt 74%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới đạt hơn 80%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh chưa đạt.

Để phấn đấu hoàn thành chương trình xây dựng NTM, các địa phương cần chủ động, linh hoạt trong thực hiện.

Trước những khó khăn do thiếu nguồn lực đầu tư tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, huyện Điện Biên Đông đã xây dựng kế hoạch, đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây dựng nhà văn hóa bản. Kết quả đã có 150 nhà văn hóa được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa, đến nay huyện Điện Biên Đông đã có 154/193 bản, tổ dân phố có nhà văn hóa. Tiêu biểu như bản Pá Nậm, xã Chiềng Sơ, trong điều kiện nguồn kinh phí hạn hẹp, bản Pá Nậm đã chủ động huy động sức dân, thực hiện công tác xã hội hóa xây dựng nhà văn hóa với kinh phí 164 triệu đồng (trong đó Công an huyện Điện Biên Đông hỗ trợ 80 triệu đồng; các hộ dân đóng góp 19 triệu đồng và trích 65 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng của bản). Bên cạnh đó, dân bản đóng góp gần 100 ngày công để thi công công trình và làm đường vào nhà văn hóa.

Tương tự, để hoàn thiện tiêu chí giao thông, xã Mường Pồn (huyện Điện Biên) đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nhận thức để người dân hiểu, đồng thuận và tự nguyện tham gia. Năm 2021, bản Mường Pồn 1 đã trích 180 triệu đồng từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng hoàn thành các hạng mục phụ trợ cho nhà văn hóa, mở rộng đường nội bản và làm đường nhánh đến từng nhà. Hoặc, nguồn vốn xây dựng NTM chỉ hỗ trợ bản Mường Pồn 1 làm đường giao thông nông thôn rộng 2m, nhưng bản đã nhất trí trích quỹ bản đầu tư thêm vật liệu làm đường rộng 2,5m.

Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế không chỉ xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất, các thiết chế cứng mà chú trọng nhiều đến phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc nông thôn, phát huy văn hóa truyền thống, nâng cao năng lực cộng đồng cư dân trong xã hội nông thôn. Chương trình kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa kinh tế - văn hóa - xã hội trên địa bàn nông thôn. Đây là những vấn đề mới so với giai đoạn vừa qua, nhưng bảo đảm NTM phát triển hài hòa, bền vững, giàu bản sắc, nâng cao dân trí và chất lượng sống cho người dân khi được tiếp cận giáo dục, y tế, dinh dưỡng, bình đẳng giới... Theo kế hoạch đến năm 2025 tỉnh ta phấn đấu có 1 huyện (Điện Biên) đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 9 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 76 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM... Nếu không có sự chủ động, linh hoạt các giải pháp, nhiều địa phương sẽ khó hoàn thành mục tiêu.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top