Y tếSức khỏe

Cảnh giác ngộ độc thực phẩm từ bếp ăn gia đình

15:04 - Thứ Ba, 01/08/2023 Lượt xem: 6977 In bài viết

Từ những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua cho thấy, nguy cơ ngộ độc thực phẩm không chỉ đến từ những quán ăn vỉa hè hay bếp ăn tập thể mà còn từ bếp ăn trong chính mỗi gia đình.

Do đó, mỗi người dân cần phải tự trang bị những kiến thức cơ bản về bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe của mình và những người thân.

Chăm sóc bệnh nhân ngộ độc nấm tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Nhiều hình thái ngộ độc thực phẩm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 7-2023, cả nước xảy ra 9 vụ ngộ độc thực phẩm với 89 người mắc, 1 trường hợp tử vong. Tính chung 7 tháng năm 2023, cả nước xảy ra 60 vụ ngộ độc thực phẩm với 860 người mắc, trong đó có 12 người tử vong. Những số liệu này một lần nữa cảnh báo về mối nguy của ngộ độc thực phẩm đối với sức khỏe và tính mạng con người. Điều đáng nói, trong số những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra thời gian qua, có cả những vụ ngộ độc đến từ chính căn bếp trong gia đình.

Mới đây, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) đã tiếp nhận chùm ca ngộ độc nấm nặng nhất trong 5 năm qua. Sau khi đi rừng hái nấm, chị Bàn Thị Ng (ở Hà Giang) đã về nấu cho cả gia đình ăn. Bữa cơm đó có 5 người, gồm 3 người lớn và 2 trẻ nhỏ. Đến sáng hôm sau, các thành viên trong gia đình xuất hiện đau bụng, nôn mửa, mệt mỏi. Một cháu nhỏ bị ngộ độc nặng đã tử vong và một cháu nhẹ hơn được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang. Còn 3 người lớn được chuyển đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai). Tại đây, dù các bệnh nhân được theo dõi, điều trị tích cực nhưng do ngộ độc quá nặng nên 2 bệnh nhân đã tử vong.

Không chỉ nấm mà thực tế còn có nhiều loại thực phẩm bản thân có sẵn các chất độc. Theo các chuyên gia y tế, các loại thực phẩm có độc tố tự nhiên được chia làm hai loại, gồm: Thực phẩm có nguồn gốc động vật như cá nóc, bạch tuộc xanh, cóc, nhuyễn thể, mật cá... và thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như nấm độc, khoai tây mọc mầm, măng và sắn độc, lạc mốc, hạnh nhân đắng, lá ngón... Nếu không biết cách phân biệt, lựa chọn thực phẩm và xử trí đúng cách, kịp thời khi ăn phải thì ngộ độc thực phẩm có độc tố tự nhiên có thể gây tử vong rất nhanh.

Ngoài ra, ngộ độc cũng xảy ra khi thực phẩm được bảo quản sai cách. Tại Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cũng đã tiếp nhận một ca bệnh với chẩn đoán nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Theo lời kể của bệnh nhân, buổi sáng trước khi vào viện, bệnh nhân có ăn một quả dưa lê đã cắt và để trong tủ lạnh từ tối hôm trước. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, bệnh nhân xuất hiện buồn nôn, nôn ra dịch dạ dày có lẫn thức ăn, kèm theo đau bụng âm ỉ quanh rốn, đi ngoài phân lỏng, rối loạn tiểu tiện…

Nhiều người vì tiết kiệm thường bọc thức ăn thừa để trong tủ lạnh cho hôm sau. Thực ra thói quen này không bảo đảm an toàn 100%. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo, người dân đừng coi chiếc tủ lạnh là một “bảo bối” tích trữ thực phẩm. Tùy từng loại thực phẩm mà thời gian bảo quản khác nhau. Ngăn tủ lạnh chứa quá nhiều thực phẩm sẽ chặn luồng khí lạnh lưu thông khiến nhiệt độ bảo quản không được như mong muốn, dễ gây hư hỏng thực phẩm, dẫn đến nguy cơ ngộ độc thực phẩm... Hơn nữa, khi thực phẩm được bảo quản sai cách hoặc để thực phẩm sống - chín lẫn lộn có thể khiến thực phẩm bị nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo hoặc lên men, hư thối, nhiễm các loại vi khuẩn... làm tăng nguy cơ gây tổn thương về đường tiêu hóa, gây ngộ độc cấp tính.

Cần tuân thủ 10 nguyên tắc “vàng”

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm ngay tại bếp ăn của mỗi gia đình, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho rằng, mỗi người cần thực hiện đầy đủ 10 nguyên tắc “vàng” trong chế biến thực phẩm, đó là chọn các thực phẩm tươi, sạch, không dập nát, có nguồn gốc rõ ràng; thực hiện “ăn chín, uống chín”; ngâm rửa sạch rau, quả tươi, nhất là loại rau dùng ăn sống, rửa rau dưới vòi nước chảy, ngâm nước muối; che đậy bảo quản cẩn thận thức ăn đã được nấu chín, ăn ngay sau khi vừa nấu xong, đun kỹ thức ăn đã qua bữa trước khi dùng lại; không để lẫn thức ăn sống và thức ăn chín; không dùng chung dụng cụ chế biến thức ăn sống và thức ăn chín; rửa tay trước khi chế biến thực phẩm, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; giữ bếp, dụng cụ và nơi chế biến luôn sạch sẽ, gọn gàng và khô ráo; không ăn thức ăn ôi thiu, mốc hỏng và dùng nước sạch để chế biến thức ăn, đồ uống.

Các chuyên gia y tế lưu ý, người tiêu dùng khi lựa chọn các loại thực phẩm trong mùa hè nên mua những thực phẩm còn tươi, có nhãn mác ở những cửa hàng cố định, đặc biệt lưu ý hạn sử dụng của sản phẩm. Ngoài ra, với những thức ăn thừa nên để ở ngăn mát của tủ lạnh. Trước khi cất vào tủ lạnh cần đun lại để diệt hết vi khuẩn, sau đó để nguội, cất riêng vào từng hộp có nắp đậy. Thức ăn đã để ở ngăn mát, muốn ăn cần phải nấu lại, tuyệt đối không ăn ngay. Cùng với đó, không sử dụng lại các món ăn để dành trong tủ lạnh quá 1-2 ngày. Nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc khi để qua đêm, gồm: Rau xanh, trứng, nước trà, các loại nấm nấu chín, các loại canh, các món gỏi, nộm, cá và hải sản các loại…

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cũng đưa ra khuyến cáo, người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, sử dụng các loại nấm độc, côn trùng lạ, cá nóc, trứng cóc, so biển, ốc lạ, cây, quả lạ… để làm thức ăn. Ngoài ra, tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top