Y tếSức khỏe

Cần quan tâm đến sức khỏe tâm thần

15:18 - Thứ Tư, 10/04/2024 Lượt xem: 8164 In bài viết

Ngày càng nhiều người trẻ dù khỏe mạnh về thể chất nhưng lại gặp các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, như: Tự kỷ, stress, trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn hành vi... Dù vậy, bản thân họ cũng như gia đình đều ngại đến bệnh viện vì sợ bị kỳ thị.

Bị mất ngủ triền miên, dẫn đến hoang tưởng, ảo giác, chị L.T.T (23 tuổi ở Hà Nội) luôn rơi vào cảm giác có người theo dõi mình. Thế nhưng khi được người thân khuyên cần đến bệnh viện khám, chị T. đã bỏ ngoài tai.

“Lúc đó, tôi rất ngại đi khám vì sợ mọi người nghĩ mình bị điên, không bình thường. Thế nhưng, càng lúc bệnh càng nặng khiến tôi không thể chịu đựng được nữa, đầu óc luôn căng như dây đàn. Khi đến khám tại Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), các bác sĩ cho biết, tôi bị rối loạn lo âu. Sau khi điều trị nội trú tại đây, tinh thần tôi đã ổn định trở lại”, chị T. kể.

Trường hợp như của chị T. không phải là hiếm gặp, bác sĩ Lê Công Thiện, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, đa phần mọi người thường chú trọng đến sức khỏe thể chất hơn sức khỏe tâm thần. Do đó, khi rơi vào tình trạng mất ngủ triền miên, căng thẳng, lo âu kéo dài…, nhiều người vẫn cố chịu đựng. Thậm chí, không ít người do xấu hổ, ngại ngần, lo sợ bị kỳ thị mà không muốn bộc lộ tình trạng sức khỏe tâm thần của bản thân, không đi khám vì sợ người xung quanh biết được.

Cũng theo bác sĩ Lê Công Thiện, áp lực công việc, cuộc sống, học tập khiến gia tăng các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần, nhất là đối với người trẻ. Tuy nhiên, nếu các vấn đề sức khỏe tâm thần không được quan tâm đúng mức thì điều đầu tiên là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực.

“Khi còn nhỏ thì ảnh hưởng đến khả năng học tập, tính cách. Đến giai đoạn trưởng thành sẽ ảnh hưởng đến năng suất lao động, giảm khả năng tạo ra của cải, vật chất cho xã hội. Mặt khác, các rối loạn tâm thần nếu phát hiện muộn và chậm trễ sẽ dẫn tới việc điều trị khó khăn, tốn kém. Chưa kể đến những hệ lụy gây ra cho bản thân người bệnh, cho gia đình và xã hội”, bác sĩ Lê Công Thiện phân tích.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe của con người gồm 3 yếu tố: Thể chất, tâm thần và các mối quan hệ xã hội. Hiện, mọi người mới chỉ lưu ý đến sức khỏe thể chất, các mối quan hệ xã hội mà bỏ quên chăm sóc và rèn luyện sức khỏe tâm thần. Trong khi sức khỏe tâm thần có tầm quan trọng đứng thứ tư sau các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường.

Các chuyên gia y tế cho rằng, bất cứ ai cũng có thể gặp các rối loạn tâm thần, ít nhất là trong một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời. Do đó, cộng đồng cũng như người bệnh nên nhìn nhận bệnh lý này giống như các căn bệnh khác về sức khỏe thể chất, quan tâm, phát hiện sớm các bất ổn về sức khỏe tâm thần để được can thiệp kịp thời.

Đặc biệt, để phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần, mỗi người trẻ cần xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, ăn, ngủ đúng giờ, suy nghĩ tích cực, sống có mục tiêu rõ ràng và tham gia các hoạt động thể dục, thể thao. Từ đó sẽ giúp mỗi người có tinh thần khỏe mạnh, phòng, tránh các bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần. Cùng với đó, khi có biểu hiện không bình thường về tâm lý, mọi người cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để can thiệp, trị liệu kịp thời.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top