Văn hóaTình yêu - Hôn nhân & Gia đình

Gìn giữ giá trị truyền thống tốt đẹp trong gia đình

08:13 - Thứ Năm, 28/10/2021 Lượt xem: 41393 In bài viết

ĐBP - Cùng các tỉnh thành trong cả nước thực hiện thí điểm và góp ý xây dựng “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, 2 năm qua, Điện Biên đã có nhiều hoạt động góp phần củng cố, gìn giữ nét đẹp văn hóa gia đình Việt, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Gia đình người Mông bản Pu Lau, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên cùng nhau làm bánh giày truyền thống chuẩn bị đón năm mới. Ảnh tư liệu

Nội dung thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” gồm 4 nguyên tắc ứng xử chung: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ cùng 8 tiêu chí ứng xử cụ thể cho 4 mối quan hệ cơ bản trong gia đình. Bao gồm tiêu chí ứng xử vợ chồng: Chung thủy, nghĩa tình. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

Tháng 7/2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã tổ chức triển khai thí điểm “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” tại huyện Mường Ảng (bản Quyết Tiến 1, xã Búng Lao) và Điện Biên Đông (bản Mường Luân 1, xã Mường Luân). Đây là những địa bàn dân cư tập trung đông đúc, đa sắc màu dân tộc, đời sống văn hóa - xã hội phong phú, đa dạng, giao thông thuận tiện, mức độ hưởng thụ văn hóa của người dân ngày càng được nâng cao... Qua tuyên truyền, 100% hộ dân đã đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí. Nhân dân trên địa bàn triển khai thí điểm đã cơ bản nắm rõ nội dung, ý nghĩa, mục đích của việc thực hiện các tiêu chí ứng xử trong gia đình và cam kết thực hiện. Từ đó góp phần ngăn chặn tệ nạn xã hội, sự xuống cấp về đạo đức, các vấn đề tảo hôn, bạo lực gia đình... giúp xây dựng, gìn giữ hạnh phúc bền vững của mỗi gia đình. Ông Nguyễn Văn Quyên, Trưởng bản Quyết Tiến (sáp nhập Quyết Tiến 1, 2) cho biết: “Bản có hơn 170 hộ. Các hộ đều sống hòa thuận, sẻ chia, tôn trọng lẫn nhau. Thời gian qua trong bản không có gia đình nào xảy ra bạo lực gia đình, mâu thuẫn lớn phải can thiệp, chỉ có những cãi vã nhỏ mà gia đình nào cũng khó tránh khỏi”.

Bên cạnh tập trung xây dựng mô hình thí điểm, Sở VH,TT&DL còn triển khai tuyên truyền rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tuyên truyền về “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”, kỹ năng ứng xử trong gia đình để xây dựng gia đình hạnh phúc, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp trong gia đình. Qua đó thay đổi hành vi, nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của người dân, gia đình và xã hội, cải thiện mối quan hệ của các thành viên trong gia đình... Theo thông tin từ Sở VH,TT&DL, năm 2018, toàn tỉnh có 128 vụ bạo lực gia đình, trong đó tại 2 huyện triển khai thí điểm có 53 vụ (Mường Ảng 41 vụ, Điện Biên Đông 12 vụ). Đến tháng 6/2021, số vụ bạo lực gia đình giảm đáng kể. Toàn tỉnh có 35 vụ, trong đó huyện Mường Ảng 13 vụ, Điện Biên Đông 5 vụ. Cùng với đó, phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển. Năm 2020 tỷ lệ gia đình văn hóa toàn tỉnh đạt 71,3%.

Có được kết quả đó là nhờ nhiều hoạt động về gia đình và “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đã và đang được các cấp, các ngành tổ chức lồng ghép thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Hơn 20.000 tờ gấp giới thiệu Bộ tiêu chí được phát tới các gia đình, địa bàn. Tiêu chí ứng xử, văn hóa ứng xử trong gia đình được cụ thể hóa thành băng rôn, khẩu hiệu, cụm pa nô tuyên truyền. Các mô hình hoạt động về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình ngày được mở rộng, như: Mô hình phòng chống bạo lực gia đình, mô hình “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Gia đình trẻ phát triển bền vững”, “Gia đình trẻ không có bạo lực”... góp phần thúc đẩy tuyên truyền, triển khai thí điểm Bộ tiêu chí hiệu quả hơn. Tại bản Giản - Co Ké, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên), chị Cà Thị Duyên, Chủ nhiệm câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” chia sẻ: Trước đây, việc chồng chửi mắng vợ, thậm chí đánh vợ trong bản diễn ra khá phổ biến. Nhiều chị em coi đó là điều bình thường, nên những tổn thương tinh thần, thể chất ngày càng lớn, khiến không ít gia đình có nguy cơ đổ vỡ. Sau khi Câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” được thành lập, tổ chức sinh hoạt định kỳ, khuyến khích chị em cùng trao đổi kinh nghiệm chăm sóc con cái, làm kinh tế, vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Đặc biệt dành nhiều thời gian cho nội dung nhận dạng và phòng chống bạo lực gia đình, bao gồm cả bạo lực tinh thần, thân thể, kinh tế, tình dục. Sau khi tham gia câu lạc bộ, các chị em đã biết cách trò chuyện, tâm sự thẳng thắn với chồng, yêu cầu sự tôn trọng của chồng. Từ đó, người chồng dần thay đổi, biết chia sẻ công việc, các vấn đề với vợ, gia đình hòa thuận, khấm khá hơn.

“Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” đúc kết ngắn gọn những giá trị tốt đẹp trong văn hóa ứng xử của gia đình Việt Nam, dễ hiểu, dễ tiếp cận, có tính khả thi khi triển khai vào thực tế, tạo tiền đề quan trọng cho việc thực hiện Bộ tiêu chí trong những năm tiếp theo.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top