Phụ nữ vượt khó vươn lên thoát nghèo

09:33 - Thứ Sáu, 20/10/2023 Lượt xem: 4601 In bài viết

ĐBP - Với tư duy đổi mới, ý chí và khát khao vươn lên mạnh mẽ, nhiều năm trở lại đây phụ nữ vùng cao, vùng khó khăn đã và đang mạnh dạn xây dựng ý tưởng, phát triển các mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo. Qua đó khẳng định vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.

Chị Thùng Thị Lâm, chủ cơ sở du lịch cộng đồng bản Nà Sự, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) chế biến món ăn truyền thống dân tộc Thái phục vụ du khách. Ảnh: Sầm Phúc

Sớm tinh mơ, chúng tôi cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) thăm mô hình VAC của chị Lò Thị Thủy, bản Mường Tùng. Ðang tất bật chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn, chị Thủy bảo: “Công việc chăn nuôi vất vả, tất bật từ sáng đến tối, nhưng làm nhiều thành quen. Giờ mà không làm lại buồn chân, buồn tay!”.

Khởi nghiệp từ đôi bàn tay trắng, với đức tính cần cù, sáng tạo, sau nhiều năm nỗ lực đến nay chị Thủy đã xây dựng được khu chăn nuôi với hơn 30 con lợn thịt, ao cá, hàng trăm con gia cầm các loại. Mô hình chăn nuôi của chị mỗi năm mang lại thu nhập trên 100 triệu đồng. Chị Thủy chia sẻ: Nếu như mình có nghị lực thì không có việc gì là khó cả! Không biết thì học, tìm hiểu ở những mô hình chăn nuôi thành công, chịu khó nghe đài, đọc sách báo, tham gia các khóa học do xã, huyện tổ chức. Ðàn lợn, nhất là lợn nái cần được chăm sóc theo quy trình kỹ thuật rất khắt khe. Ðể lợn giống đạt chất lượng tốt nhất, lợn thịt bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, thì ngay từ khi bắt đầu nuôi cần được tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh. Ðể có thể tiết kiệm tối đa chi phí, vợ chồng chị Thủy tự làm chuồng trại, lựa chọn hãng thức ăn chăn nuôi có uy tín và kết hợp rau trồng tại vườn nhà làm thức ăn xanh cho lợn.

Ở bản Tạo Sen, xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) nhắc đến chị Lò Thị Dơn thì ai cũng biết. Bởi không chỉ làm kinh tế giỏi chị Dơn còn là tấm gương sáng trong phong trào phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Chia sẻ cách làm của mình, chị Dơn nhỏ nhẹ: “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Dù là phái yếu, nhưng chị Dơn đã tích cực khai hoang ruộng nước, xây dựng chuồng trại, đào ao thả cá... Ðể mô hình VAC phát triển, chị Dơn đã tìm đọc thêm sách về kỹ thuật, tham gia các khóa tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi... Ðất không phụ công người, sau nhiều năm nỗ lực, chị Dơn đã có trong tay hơn 6.500m2 ruộng lúa, 1.800m2 đất trồng rau, 2 ao cá tổng diện tích là 1.700m2, 100 con gia cầm các loại, hàng chục con lợn thịt, mỗi năm mang lại nguồn thu nhập trên 150 triệu đồng. Không chỉ là nông dân giàu, bằng kinh nghiệm thực tiễn, chị Dơn đã đồng hành, sát cánh, truyền lửa để chị em hăng hái lao động sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng chi hội phụ nữ ngày càng vững mạnh.

Xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là “vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường”, những năm qua các cấp Hội LHPN đã chủ động tuyên truyền các chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến phụ nữ. Ðồng thời, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực lao động sản xuất, mạnh dạn tham gia thực hiện các mô hình, dự án phát triển kinh tế của địa phương, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

Ðể hỗ trợ phụ nữ giảm nghèo bền vững, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” hàng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội rà soát hộ nghèo do phụ nữ làm chủ, có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bằng nhiều hình thức thiết thực. Các cấp hội phụ nữ toàn tỉnh đã tiết kiệm tạo nguồn vốn trên 11 tỷ đồng giúp 3.238 hội viên, phụ nữ được vay phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ 10 phụ nữ khuyết tật vay 50 triệu đồng phát triển kinh tế; duy trì 207 nhóm cổ phần tài chính tự quản với 5.000 thành viên. Các cấp hội đã ra mắt và thành lập mới 19 câu lạc bộ/mô hình phát triển kinh tế và phát huy lợi thế phát triển sản phẩm; hỗ trợ, tư vấn, nâng cao năng lực cho thành viên tổ liên kết, doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ hộ…

Từ chương trình hỗ trợ, các phong trào, cuộc vận động, như: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới” gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Mỗi hộ gia đình nông thôn có 1 vườn rau sạch và nuôi từ 10 con gia cầm trở lên”... đã xuất hiện ngày càng nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ tiêu biểu trên mặt trận phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững. Theo thống kê của Hội LHPN tỉnh, 9 tháng đầu năm toàn tỉnh có 25.724 phụ nữ nghèo được hỗ trợ, 3.727 phụ nữ thoát nghèo, 1.206 phụ nữ thoát cận nghèo (trong đó 520 phụ nữ nghèo làm chủ thoát nghèo).

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh tiếp tục tranh thủ nguồn lực từ nhiều chương trình, dự án để đồng hành, tiếp sức, hỗ trợ hội viên, phụ nữ có điều kiện vươn lên, giảm nghèo nhanh, bền vững. Ðặc biệt, tập trung triển khai hiệu quả Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và các chương trình, mục tiêu Ðề án của Hội; tranh thủ các hoạt động hỗ trợ tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ tiếp cận nguồn vốn, hỗ trợ khoa học - kỹ thuật, giới thiệu việc làm, kết nối thị trường giúp chị em yên tâm sản xuất làm giàu chính đáng trên quê hương của mình.

Với nhiều cách làm hay trong phát triển sản xuất, kinh doanh đã mang đến “luồng gió mới”, hiện thực hóa ước vọng phát triển kinh tế của phụ nữ vùng cao, dân tộc thiểu số. Từ đó, góp phần khẳng định và xây dựng hình ảnh người phụ nữ Ðiện Biên “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top