Video

Cách làm hay trong chuyển đổi cây trồng ở Chà Nưa

Thứ Ba, 21/11/2023 09:32 Lượt xem: 12851 In bài viết

ĐBP - Ở Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) lâu nay nông dân trên địa bàn xã vẫn duy trì lối canh tác cũ, lạc hậu nên năng suất cây trồng thấp. Để thuyết phục bà con chuyển đổi cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế, nhiều đảng viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn xã đã tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trở thành những hình mẫu trong làm ăn kinh tế được nhiều bà con học tập, làm theo.

Đây là mô hình trồng bí xanh do Bí thư Đảng ủy xã Chà Nưa, Khoàng Văn Van cùng các đảng viên trong xã khởi xướng đầu năm 2023. Để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, xã Chà Nưa chủ trương vận động cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải thực hành trước, từ đó phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên cùng tham gia trồng bí với người dân. Ngay vụ đầu tiên, mỗi héc ta bí xanh cho năng suất trên 80 tấn, trừ chi phí đầu tư đem lại lợi nhuận trên 100 triệu đồng và đặc biệt là có doanh nghiệp ký cam kết thu mua tận ruộng. Thấy được hiệu quả từ mô hình, nhân dân trong xã bảo nhau cải tạo đất ruộng trồng bí xanh. Từ 3,5ha ban đầu đến nay diện tích trồng bí xanh của toàn xã đã tăng lên hơn 15ha.

Mô hình rộng 1ha trồng 45.000 cây nha đam giống Thái Lan này là của gia đình anh Thùng Văn Chí, cán bộ văn hóa xã Chà Nưa. Sau hơn 4 tháng trồng cây nha đam bước đầu sinh trưởng và phát triển tốt. Theo anh Chí, toàn bộ diện tích nha đam này đã được một doanh nghiệp ở Ninh Thuận ký hợp đồng thu mua trong vòng 4 năm với giá 2.800 đồng/kg. Giống nha đam này mỗi năm cho thu từ 8 - 10 lứa và có thể cho thu hoạch liên tục từ 3 - 4 năm. Sau khi thu hoạch, nếu cho năng suất và chất lượng tốt thì việc phát triển diện tích cây nha đam sẽ góp phần đa dạng hóa các loại cây trồng, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân địa phương

Ngại thay đổi là tâm lý chung của nhiều người dân ở vùng cao Chà Nưa, nhưng khi thấy cán bộ, đảng viên của xã tiên phong, đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng và có hiệu quả mang lại thì người dân đã dần thay đổi nhận thức. Nhiều người đã chủ động tìm đến các mô hình để học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng để triển khai trên diện tích của gia đình. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được hơn 20 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình có thu nhập bình quân từ 50 - 200 triệu đồng/năm.

Muốn xóa được cái đói, cái nghèo, không có cách nào khác là phải làm để dân tin, mà muốn dân tin thì đội ngũ cán bộ, đảng viên phải phát huy tinh thần “miệng nói tay làm”, tiên phong phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng các mô hình sinh kế mẫu để nhân dân học tập và làm theo. Với cách làm trên, cộng thêm những thế mạnh về đất đai, nguồn nước, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở Chà Nưa cũng nhờ vậy đã có bước phát triển mạnh, với nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng như bí xanh, nha đam, trồng giổi lấy hạt, trồng đu đủ đực lấy hoa…

Từng được biết đến là xã vùng cao thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Nậm Pồ, nhưng giờ đây, Chà Nưa đã thực sự đổi thay, với dáng dấp của một xã nông thôn mới. Đặc biệt, người dân nơi đây đã biết xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Chính tinh thần “người đứng đầu, quyết đi đầu” của cán bộ, đảng viên ở xã Chà Nưa đã “tiếp lửa” cho các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn minh của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao biên giới Nậm Pồ.

Thu Hằng – Sầm Phúc

Back To Top