ĐBP - Chiều nay (23/9), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập.
Với chủ đề “Phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập”, Thủ tướng Chính phủ khẳng định hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để đánh giá tình hình, nhận diện đúng những hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, từ đó xác định phương hướng, đề ra nhiệm vụ, giải pháp để tổ chức, vận hành tốt hơn thị trường khoa học công nghệ. Phát triển thị trường này thực sự trở thành con đường ngắn nhất, hiệu quả nhất, biến khoa học công nghệ thành lực lượng sản xuất chủ lực của xã hội, giúp các doanh nghiệp tạo ra nhiều hàng hóa, dịch vụ mới có hàm lượng khoa học cao, tạo sức cạnh tranh vượt trội của nền kinh tế.
Thị trường khoa học công nghệ ở nước ta là một trong những yếu tố quan trọng trong thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đầu tư, đã ban hành, triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách có liên quan, thị trường khoa học công nghệ bước đầu được hình thành, phát triển và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, so nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội và so với một số thị trường khác, thị trường khoa học công nghệ phát triển chậm, còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.
Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã xác định: “Phát triển mạnh thị trường khoa học, công nghệ gắn với xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về khoa học, công nghệ. Kết nối có hiệu quả các sàn giao dịch công nghệ quốc gia với các trung tâm ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ ở các địa phương. Phát triển mạnh mạng lưới các tổ chức dịch vụ trung gian môi giới, đánh giá chuyển giao công nghệ…”.
Do vậy, phát triển mạnh mẽ thị trường khoa học công nghệ là một trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả, tăng sức cạnh tranh trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Đại biểu dự hội nghị tập trung phân tích, đánh giá sự vận hành của thị trường khoa học, công nghệ ở Việt Nam; làm rõ những điểm mạnh, điểm yếu của các chủ thể chính của thị trường khoa học, công nghệ; đánh giá sự tương tác, hợp tác, phối hợp giữa các chủ thể này với nhau. Đồng thời tìm giải pháp cho thực trạng nhiều kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ của các viện, trường khá dồi dào nhưng hàng hóa khoa học, công nghệ vẫn rất hạn chế; nhu cầu tiếp thu, hấp thụ, làm chủ công nghệ mới luôn hiện hữu song không phải doanh nghiệp nào cũng tích cực, hào hứng đầu tư mua sắm hàng hóa khoa học, công nghệ.
Đại diện các bộ, ngành, tổ chức, các nhà khoa học cũng thảo luận về tổ chức trung gian, môi giới, kết nối, thúc đẩy giao dịch, lưu thông hàng hóa khoa học, công nghệ; phát triển hạ tầng quốc gia của thị trường khoa học, công nghệ hội nhập với thị trường khu vực và quốc tế; về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển thị trường khoa học, công nghệ; giải pháp để tăng cường vai trò của Nhà nước trong định hướng, điều tiết và hỗ trợ hiệu quả cho thị trường khoa học, công nghệ phát triển trong thời gian tới.