Những năm qua, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn 214 (Quân khu 3) luôn chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SK, CTKT).
Đơn vị xác định đây là một trong những giải pháp quan trọng, mang tính đột phá để nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ).
Tham quan huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy tại Tiểu đoàn 3 (Lữ đoàn 214), chúng tôi ấn tượng với sáng kiến “Thước đo ba phần tử điện tử” được cán bộ, chiến sĩ đơn vị sử dụng để tính tốc độ, cự ly và thời gian bay của mục tiêu. Đại úy Phạm Đức Tuân, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, thành viên nghiên cứu sáng kiến trên, cho biết: “Trước đây, việc xác định các phần tử bay được thực hiện bằng thước nhựa mica thông thường, thao tác mất nhiều thời gian và dễ đọc nhầm chỉ số. Trong khi các tình huống tác chiến trên không diễn ra rất khẩn trương, đòi hỏi các thông số bay của mục tiêu phải được cập nhật nhanh, liên tục và chính xác. Vì vậy, chúng tôi đã tìm hiểu và nghiên cứu ra thước đo điện tử”.
“Thước đo ba phần tử điện tử” có cấu tạo đơn giản, gồm 1 thước nhựa mica dạng càng cua gắn với hộp điều khiển điện tử trung tâm và 1 bộ sạc nguồn. Người sử dụng chỉ cần đặt hai đầu thước càng cua vào vị trí hai đầu mũi đường bay, sau đó ấn 3 nút trên hộp điều khiển điện tử sẽ hiện ra 3 thông số bay tương ứng. Thước đo điện tử có cấu tạo gọn nhẹ, đơn giản, chi phí sản xuất khoảng hơn 2 triệu đồng, dễ sử dụng, có thể dùng cả trong huấn luyện và tác chiến.
Cũng được áp dụng phục vụ huấn luyện kíp chiến đấu sở chỉ huy, sáng kiến “Đồng hồ tác chiến đa năng” của Trung úy Dương Đức Hoàng, Trung đội trưởng thông tin quan sát mắt thuộc Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn 214) đã góp phần giúp quá trình làm công tác chuẩn bị huấn luyện đơn giản, thuận tiện hơn. Trung úy Dương Đức Hoàng chia sẻ: “Thông thường, trước khi bước vào huấn luyện, chúng tôi phải chuẩn bị hai chiếc đồng hồ. Một chiếc dùng để tính thời gian tác chiến theo tình huống tập bài, chiếc còn lại chỉ thời gian thực phục vụ nhiệm vụ trực SSCĐ. “Đồng hồ tác chiến đa năng” là một hộp tích hợp của hai chiếc đồng hồ sẽ giúp tối giản thời gian, công sức chuẩn bị, thuận tiện trong quản lý, cơ động khi diễn tập, luyện tập ngoài doanh trại”.
Trước yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi ngày càng cao, những năm qua, Lữ đoàn 214 luôn chú trọng phát huy SK, CTKT phục vụ công tác huấn luyện, SSCĐ. Hằng năm, Lữ đoàn giao chỉ tiêu sáng kiến cho các cơ quan, đơn vị và xác định đây là một trong những tiêu chí quan trọng để bình xét, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Đơn vị thường xuyên giáo dục, động viên, khuyến khích và tạo điều kiện về thời gian, bảo đảm kinh phí để cán bộ, chiến sĩ tìm tòi, nghiên cứu. Điều này khơi dậy tinh thần tự giác, sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị. Chỉ tính riêng đầu năm 2023, Lữ đoàn 214 có hơn 10 sáng kiến được nghiệm thu và đưa vào phục vụ huấn luyện, SSCĐ.
Các SK, CTKT của Lữ đoàn 214 xuất phát từ thực tiễn quá trình huấn luyện và do cán bộ, chiến sĩ tìm tòi, nghiên cứu nên cơ bản đều có cấu tạo đơn giản nhưng tính ứng dụng thực tiễn cao. Tiêu biểu như: Thiết bị chiếu sáng bảng phương vị, thiết bị chiếu sáng bọt nước chân kích, thiết bị thống nhất điểm ngắm ban đêm cho pháo thủ trên pháo phòng không 57mm... Bên cạnh đó, các đơn vị làm mới nhiều loại mô hình, học cụ, tranh vẽ, nhất là các loại mô hình theo tỷ lệ máy bay của địch để giúp bộ đội rèn luyện khả năng quan sát, nhận biết mục tiêu. Thượng tá Trịnh Văn Du, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 214 cho biết: “Chúng tôi coi trọng số lượng nhưng cũng đặc biệt quan tâm đến tính ứng dụng của sáng kiến. Vì vậy, các SK, CTKT trước khi đưa vào phục vụ huấn luyện, SSCĐ đều được hội đồng nghiệm thu cấp Lữ đoàn thẩm định chặt chẽ với đầy đủ mô hình, vật mẫu, sơ đồ bảng kẻ, thuyết minh...”.
Theo Thượng tá Trịnh Văn Du, để các sáng kiến có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện huấn luyện, đối tượng, địa bàn tác chiến và nhiệm vụ trực phòng không, chỉ huy các đơn vị chủ động định hướng cho cán bộ, chiến sĩ lựa chọn đề tài nghiên cứu, thông qua sơ bộ ý tưởng, sau đó mới triển khai thực hiện. Điều này vừa phát huy được trí tuệ tập thể, bảo đảm tính khả thi của sáng kiến, vừa tránh lãng phí tiền của, công sức bộ đội.
Hoạt động nghiên cứu SK, CTKT của Lữ đoàn 214 trong những năm qua đã và đang đạt được hiệu quả rất tích cực, có ý nghĩa thực tiễn, khẳng định tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo, ý chí quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ. Những sáng kiến không chỉ tiết kiệm kinh phí, thời gian, công sức của bộ đội mà còn góp phần quan trọng tạo sự chuyển biến, nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCĐ, bảo đảm cho đơn vị luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc vùng trời được giao.