Vấn đề tuần này

Báo chí - binh chủng đặc biệt

07:50 - Thứ Năm, 16/06/2022 Lượt xem: 4681 In bài viết

ĐBP - Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2022), những người làm báo trong cả nước có dịp ôn lại truyền thống ngày thành lập; đồng thời nhắc nhau cần noi gương, phấn đấu học tập và làm báo theo phong cách Hồ Chí Minh, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì báo chí là “binh chủng đặc biệt”, là phương tiện để làm cách mạng. Ngòi bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của người làm báo. Báo chí có nhiệm vụ “phò chính, trừ tà”. Báo chí là công cụ đấu tranh xã hội, đấu tranh bảo vệ dân tộc, giai cấp. Trong cuộc đời hoạt động của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là chiến sĩ cách mạng, vừa là nhà báo tiên phong mẫu mực, luôn đấu tranh cho lẽ phải, vì sự thượng tôn pháp luật.

Lịch sử phát triển, đi lên của đất nước, của xã hội đang có nhiều đổi thay, yêu cầu báo chí phải bám sát “guồng quay” đó. Binh chủng báo chí đã phản ánh nhanh chóng, chính xác, đầy đủ, kịp thời mọi hoạt động về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại... của đất nước cũng như thế giới để người dân nắm bắt, nghiên cứu, học hỏi và lựa chọn cách thức làm theo.

Vai trò của báo chí càng quan trọng hơn, khi mới đây, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng xác định, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Sự phối hợp của các cơ quan khối Nội chính cùng sự vào cuộc của báo chí, truyền thông sẽ làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo nên “lưới lửa” mang ý chí của Đảng, tâm nguyện của nhân dân.

Thông qua báo chí, các mặt tích cực, nổi bật trên mọi phương diện của đất nước được phản ánh đến nhân dân một cách nhanh nhất, chính xác nhất. Bên cạnh đó, mọi “góc khuất”, bất cập; các vụ án tham ô, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm... ở mọi cấp độ, địa phương, bộ ngành đã được báo chí mổ xẻ, phanh phui.

Dấn thân vào các vụ điều tra chống tiêu cực, mặt trái của xã hội, nhiều nhà báo đã phải trả giá bằng mạng sống, hoặc thương tích thân thể, bị khủng bố tinh thần, bị kẻ xấu đe doạ... nhưng họ không nản chí, ngược lại càng quyết theo đuổi vụ án đến cùng.

Có thể khẳng định, với sứ mệnh của mình, hệ thống báo chí nước nhà đang là lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Báo chí tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thứ “giặc nội xâm” của đất nước.

Đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới, trong khi đó, các thế lực thù địch cũng đang lợi dụng quyền tự do, dân chủ để xuyên tạc sự thật, vu khống, bôi nhọ, nói xấu chế độ ta, gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân. Để góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, thì báo chí cách mạng cần bám sát, tiếp tục phát huy hơn nữa chức năng tư tưởng, định hướng, giáo dục, quản lý, giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời chủ động đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn và phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch của kẻ xấu. Báo chí cần kết hợp tốt giữa biểu dương và phê phán. Coi trọng phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực”. Một mặt, báo chí cũng cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay trong nội bộ các cơ quan báo chí, làm trong sạch nội bộ. Vì thực tế thời gian qua, đã có một số nhà báo hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích, xuống cấp về đạo đức, vi phạm pháp luật, bị xử lý hành sự, đã ít nhiều gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân.

Thế giới phẳng, đang trong giai đoạn cuộc cánh mạng công nghiệp 4.0, do vậy, các cơ quan báo chí, truyền thông, người làm báo nói chung cần đổi mới nhanh hơn nữa cách thức tuyên truyền. Cần coi trọng việc kết hợp các hình thức truyền thông mới, chính thống cũng như trang mạng xã. Chú trọng đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số, làm báo đa phương tiện, mô hình toà soạn hội tụ... nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội trong kỷ nguyên số. Cùng với đó, cần có cách thức tuyên truyền sinh động, hấp dẫn để phản ánh toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, động viên trí tuệ và sự đóng góp của toàn xã hội trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa...

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top