Xã hộiChuyển đổi số

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn khi chuyển đổi số

15:52 - Thứ Năm, 05/10/2023 Lượt xem: 1843 In bài viết

Ngày 4-10, tại Hà Nội, trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT) phối hợp với Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức GIZ tổ chức Hội nghị Đối tác thúc đẩy chuyển đổi số doanh nghiệp Việt Nam 2023.

Các đại biểu dự hội nghị.

Sự kiện nhằm chia sẻ các định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Chính phủ; trao đổi, thảo luận những định hướng, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp cho biết, giai đoạn 2021-2023, Cục đã huy động nguồn lực tài trợ từ Chính phủ Đức thông qua dự án Trung tâm Chuyển đổi số Việt Nam (DTC-VN) - GIZ và triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Trong đó, tập trung vào việc nâng cao nhận thức, xây dựng cơ sở dữ liệu, các công cụ, tài liệu, nền tảng để chuyển đổi nhận thức cho doanh nghiệp, phát triển hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Hiện nay, các doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức. Nhiều đơn vị đã bước vào giai đoạn số hóa dữ liệu, chuẩn hóa quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng, đồng bộ hơn. Tuy nhiên, những kết quả đạt được còn khá khiêm tốn khi các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.

Chia sẻ tại hội nghị, Giám đốc các dự án Phát triển kinh tế bền vững, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ tại Việt Nam, ông Dennis Quennet, cho rằng, chuyển đổi kép là một xu hướng quốc tế tất yếu nhằm kết hợp chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, hướng tới phát triển bền vững. GIZ mong muốn được tiếp tục đồng hành với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và khu vực tư nhân trong hành trình đầy thách thức nhưng cũng hứa hẹn nhiều cơ hội cho sự phát triển kinh tế…

Trao đổi thông tin về tầm quan trọng và giải pháp chuyển đổi số, Giám đốc đối ngoại của Grab Việt Nam - bà Đặng Thùy Trang cho biết, nền tảng của doanh nghiệp này đặc biệt thích hợp với các hộ kinh doanh siêu nhỏ, nhỏ và vừa. Bằng việc sử dụng các công cụ đơn giản, các đơn vị kinh doanh có thể mở cửa hàng kinh doanh trực tuyến trên nền tảng, tiếp cận với nhóm người dùng mới nhanh chóng, rộng rãi, với chi phí tối ưu, từ đó có thêm nguồn doanh thu.

Để trở thành một doanh nghiệp số và tận dụng được những cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần không ngừng đổi mới và sáng tạo; sẵn sàng hành động, tự chủ xây dựng chiến lược chuyển đổi số, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức của cán bộ quản lý doanh nghiệp và người lao động.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top