Các đối tượng đã lừa bán phần mềm định vị, nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại như thế nào?

15:16 - Thứ Ba, 31/10/2023 Lượt xem: 3905 In bài viết

“Đánh” vào tâm lý của một số người dùng có nhu cầu sử dụng phần mềm định vị, giám sát, nghe lén, đọc trộm tin nhắn điện thoại của người khác, 3 đối tượng trong ổ nhóm đã thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt của 31 bị hại hàng trăm triệu đồng.

Ngày 30/10, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã thông tin chi tiết về vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lừa bán phần mềm có thể nghe lén điện thoại, đọc tin nhắn,   giám sát, định vị điện thoại. Vụ án thêm một lần nữa là bài học cảnh tỉnh cho không ít người nhẹ dạ, cả tin. Trên thực tế, không có phần mềm nào có thể giám sát, đọc trộm được tin nhắn của người khác… Vì thế, nếu chỉ vì nhẹ dạ, cả tin, người dùng sẽ dễ dàng rơi vào cái bẫy của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Xin chào các bạn, trong cuộc sống của chúng ta không ai lường trước được điều gì kể cả người vợ, chồng của chúng ta có ngoại tình hay không. Thì hôm nay công ty mình xin giới thiệu với các bạn một phần mềm theo dõi, giám sát trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, viber… và một số nền tảng xã hội khác. Phần mềm bên mình có chức năng theo dõi, giám sát, đọc trộm tin ngắn và định vị đối phương đang ở đâu” - khoảng đầu tháng 5/2023, chị N.T. O (trú tại Thái Bình) vô tình đọc được nội dung quảng cáo trên mạng xã hội. Vì đang có nhu cầu sử dụng phần mềm trên, chị O đã truy cập để tìm hiểu và được hướng dẫn kết bạn zalo với “Ktv Mạnh”.

Quá trình nói chuyện, chị O được một người đàn ông hướng dẫn cách sử dụng phần mềm; yêu cầu chuyển tiền để sử dụng phần mềm, mua mã và phá bảo mật. Tin tưởng vào những lời hứa hẹn của các đối tượng, chị O đã nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản do người này yêu cầu. Lần đầu tiên, chị chuyển cho đối tượng 800 nghìn đồng; lần thứ hai 3,8 triệu đồng; lần 3 hơn 1,9 triệu đồng; 1,8 triệu đồng và lần cuối cùng là 3 triệu đồng.

Sau khi chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng yêu cầu, chị O vẫn không truy cập được vào phần mềm tiếp tục liên hệ với đối tượng sử dụng tài khoản zalo “Văn Quang Hiteck” để trao đổi thông tin thì đối tượng tiếp tục yêu cầu phải nộp thêm tiền mới sử dụng được. Nghi ngờ bị lừa, chị O không chuyển tiền. Nạn nhân sau đó liên lạc với đối tượng thì bị chặn số; tổng số tiền bị mất hơn 11 triệu đồng.

Hình ảnh quảng cáo phần mềm nghe lén, đọc tin nhắn.

Trường hợp thứ hai là anh P.V.S (trú tại TP Hồ Chí Minh). Khi truy cập vào mạng facebook, anh S cũng đọc được quảng cáo “Công ty phần mềm định vị Văn Quang” bán phần mềm định vị giám sát điện thoại. Do có nhu cầu sử dụng phần mềm nên anh S đã nhắn tin thì được kết bạn với số 07038… có Zalo là “Văn Quang Hitech” . Qua nói chuyện, anh S được một người đàn ông hướng dẫn cài đặt phần mềm sử dụng và yêu cầu chuyển tiền đến tài khoản mang tên Đào Thanh Bình. Tin tưởng, anh S  đã nhiều lần chuyển cho các đối tượng số tiền là 26 triệu đồng. Sau khi chuyển tiền thấy không sử dụng phần mềm, anh S đã liên lạc lại với các đối trượng nhưng bị chặn số.

Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của người bị hại, căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hải Dương đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự; khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm là Đỗ Việt Hùng (SN 1989); Lê Trường Giang (SN 2000) và Đào Thanh Bình (SN 1991, cùng trú tại tỉnh Vĩnh Phúc).

Quá trình đấu tranh,  cơ quan chức năng làm rõ: Khoảng cuối tháng 4/2023, Hùng thuê căn hộ tại phường 26, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh để ở và thực hiện hành vi bán phần mềm định vị, giám sát điện thoại qua mạng xã hội. Hùng đưa ra các thông tin gian dối là có thể giám sát, nghe lén, định vị, đọc trộm tin nhắn điện thoại của người khác được làm họ tin tưởng chuyển tiền để mua phần mềm của Hùng.

Để thực hiện hành vi lừa đảo, Hùng chuẩn bị 2 trang web gồm https://trackinggiamsat.com và https://dinhvitoanquoc24.top để hướng dẫn khách hàng truy cập vào. Đối tượng Hùng lập và sử dụng fanpage là “Công ty phần mềm định vị WPTT” từ ngày 9/6 trên mạng xã hội facebook sau đó thuê người chạy quảng cáo với nội dung phần mềm của Hùng có khả năng giám sát, theo dõi điện thoại. Nếu khách hàng nhắn tin tìm hiểu thì các fanpage này tự động nhắn tin trả lời, hướng dẫn họ kết bạn với zalo có số điện thoại đăng ký trên trang quảng cáo để thoả thuận, tư vấn.

Đối tượng mua 3 sim điện thoại, sau đó lập 3 tài khoản zalo có tên lần lượt là “Văn Quang Hiteck”, “Ktv Mạnh” và “Quang Cảnh Ktv”. Đây là các số điện thoại được giới thiệu liên hệ trong mục quảng cáo của 2 fanpage trên.

Đến đầu tháng 5/2023, Hùng rủ Giang cùng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản; ngày 1/6, Hùng rủ thêm Bình tham gia lừa đảo. 3 bị can thống nhất, Hùng và Bình quản lý Fanpage “Công ty phần mềm định vị WPTT” và hướng dẫn khách liên hệ với số điện thoại 070381… có zalo “Văn Quang Hiteck” và số 090458… có zalo là “Quang Cảnh Ktv” để trao đổi. Fanpage này được đăng ký trên 2 điện thoại của Bình và Hùng để sử dụng.

Giang quản lý fanpage “Công ty phần mềm công nghệ cao JPS” và hướng dẫn khách liên hệ với số điện thoại 077270… có zalo là “Ktv Mạnh” để trao đổi. Fanpage này được đăng ký trên 2 điện thoại của Giang, do Giang sử dụng.

Các thông tin tư vấn cho khách hàng được các đối tượng trao đổi trực tiếp với nhau để cùng nhau tính cách lừa khách hàng. Các máy điện thoại và zalo sẽ sử dụng chung, nếu một người bận việc thì người còn lại sẽ nhận điện thoại và tiếp tục tư vấn cho khách để lừa đảo.

Số tiền lừa được của khách đều chuyển về tài khoản số 00000… mang tên Trần Văn Quang và số 0938395… mang tên Tô Quang Cảnh. Nếu các tài khoản này bị lỗi thì có thể chuyển đến tài khoản khác, sau đó chuyển tiền cho Hùng quản lý chi tiêu chung. Ngoài việc chi tiền ăn, ở thuê quảng cáo, Hùng cho Giang và Bình mỗi người 7 triệu đồng một tháng.

Trong vụ án này, thủ đoạn của các đối tượng phạm tội rất tinh vi. Để chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, sau khi hướng dẫn họ kết bạn với các zalo trên, các bị can sẽ tư vấn là công ty bán các phần mềm có thể nghe lén điện thoại, đọc được tin nhắn zalo, giám sát, định vị điện thoại cho khách hàng; đồng thời gửi đường link của Web https://trackinggiamsat.com https://dinhvitoanquoc24.top hướng dẫn khách hàng truy cập vào sử dụng; khách hàng phải chuyển số tiền 800 nghìn đồng phí sử dụng phần mềm cho công ty.

Khi khách hàng đồng ý thì bị can sẽ hướng dẫn họ cách chuyển tiền đến tài khoản Tô Quang Cảnh hoặc Trần Văn Quang. Sau khi nhận được tiền,  các đối tượng cấp cho khách mật khẩu truy cập là “id9756k” (đối với Web https://trackinggiamsat.com) hoặc “468568” (đối với https://dinhvitoanquoc24.top) và hướng dẫn khách đăng nhập vào. Lúc này, phần mềm hiện lên 20 giao diện về các ứng dụng zalo, facebook, telegram, chat...và gói sử dụng dịch vụ là 12 tháng, 24 tháng, 5 năm, vĩnh viễn. Lúc này, bị can sẽ thông báo phí sử dụng phần mềm theo gói tương ứng là 3 triệu đồng, 6 triệu, 12 triệu và 15 triệu đồng.

Khi khách hàng đồng ý và chuyển tiền đến tài khoản Tô Quang Cảnh hoặc Trần Văn Quang thì các đối tượng tiếp tục cấp cho khách mật khẩu là “MTH946” (đối với Web https://trackinggiamsat.com) https://dinhvitoanquoc24.top) và hướng dẫn khách đăng nhập. Lần đăng nhập này, khách hàng không truy cập được vào, không thấy thông tin gì về việc giám sát, định vị số điện thoại mà mình muốn nên liên hệ thì các đối tượng tiếp tục đưa ra các lý do khác như phải: phá mật khẩu, phá tường lửa, mã số thuế, chuyển vùng giữ liệu, tiền công kỹ thuật viên, tiền bảo lưu hồ sơ...để khách hàng tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của chúng. Sau khi khách chuyển tiền xong, bị can sẽ chặn liên lạc.

Bằng thủ đoạn này, trong thời gian 1 tháng, các bị can đã chiếm đoạt của 21 người bị hại số tiền hơn 135 triệu đồng. Hiện, vụ án đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top