Sự kiện và bình luận
ĐBP - Càng gần tết tình trạng mua bán, vận chuyển, chế tạo pháo nổ lại phát hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Thời gian gần đây xảy ra nhiều trường hợp tự chế pháo nổ gây tai nạn, có nạn nhân mất cả cánh tay, thậm chí tử vong. Tự chế pháo nổ tiềm ẩn hiểm họa khôn lường. Dù đã được cảnh báo về sự nguy hại song tình trạng mua bán chế phẩm, tự chế pháo nổ vẫn tái diễn. Vì sao vậy?
Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ từ khu vực biên giới đưa về nước tiêu thụ đang diễn ra phổ biến với nhiều hình thức tinh vi. Xác định rõ những nguy hiểm khi sản xuất, sử dụng, tự chế pháo nổ, lực lượng công an các địa phương trong cả nước đã triển khai các đợt ra quân, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến pháo nổ. Song tình trạng sản xuất, chế tạo, mua bán, vận chuyển và tàng trữ, sử dụng trái phép các loại pháo đang ngày càng phức tạp. Ở các tỉnh biên giới như Lạng Sơn, Quảng Ninh, Cao Bằng, Hà Tĩnh… đều phát hiện các vụ vận chuyển, mua bán pháo nổ, chất liệu sản xuất pháo nổ. Pháo nhập lậu đều đưa về các tỉnh thành trong nước tiêu thụ. Lực lượng chức năng các địa phương đã phát hiện nhiều vụ, thu giữ và xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến pháo nổ. Ngay tại Điện Biên, trung tuần tháng 12/2023, lực lượng công an phối hợp bắt giữ đối tượng trú tại bản Trung Tâm, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) mua bán trái phép vật liệu nổ với 81 gói thuốc nổ đen, 3kg lưu huỳnh và 2kg bi sắt.
Tại Hà Nội, từ ngày 15/12/2023 đến ngày 5/01/2024, lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ gần 20 vụ buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, sản xuất pháo trái phép; thu giữ hơn 1 tấn pháo nổ các loại. Đầu tháng 12/2023, bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh phát hiện, bắt giữ đối tượng vận chuyển trái phép 181kg pháo nổ trên tuyến biên giới. Mới đây, ngày 9/1, lực lượng bộ đội biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển 500 viên đạn săm lét cùng 32 hộp pháo hoa loại 9 quả và 29 hộp pháo hoa loại 36 quả với trọng lượng 95kg. Đối tượng vận chuyển thuê pháo nổ từ Lào về Việt Nam tiêu thụ.
Ngoài vận chuyển, mua bán pháo nổ, lo ngại hơn là việc mua các loại hóa chất, thuốc pháo, công cụ chế tạo pháo về tự sản xuất pháo nổ. Dù không có hiểu biết, chuyên môn về hóa học nhưng chỉ xem clip hướng dẫn trên mạng, không ít đối tượng đã tự chế tạo hàng nghìn quả pháo bằng các loại hóa chất tổng hợp. Nguy hại hơn khi có đối tượng bất chấp tai nạn, tự chế pháo ngay tại nhà; đặc biệt là học sinh cũng mua các loại thuốc, hóa chất về chế pháo nổ. Việc tự sản xuất pháo đã gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Đau lòng khi tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 8/1/2024 hai thiếu niên bị đứt khí quản, thủng màng phổi, nguy kịch tính mạng khi dùng máy xay sinh tố tự chế pháo nổ tại nhà. Trước đó, một trường hợp học sinh 12 tuổi ở Quảng Ninh phải chuyển Bệnh viện Trung ương quân đội 108 cấp cứu trong tình trạng dập nát bàn tay do nổ pháo tự chế. Thương tâm hơn là vụ tai nạn do pháo nổ tự chế xảy ra ở Ninh Bình vào tháng 11/2023 đã làm 2 người chết, 1 người bị thương…
Từ thực tế cấp cứu, điều trị các trường hợp tai nạn do sản xuất, tự chế pháo nổ, đốt pháo nổ, các bác sĩ khuyến cáo tổn thương do pháo nổ thường phức tạp, ở nhiều vị trí như bàn tay, cổ, mặt, ngực, thân người… Việc điều trị vết thương do pháo nổ khó khăn, tốn nhiều thời gian đặc biệt là để lại di chứng nặng nề, không ít trường hợp mất chức năng vĩnh viễn về tay, chân, mắt…
Rõ ràng, những hệ lụy từ tự chế, sử dụng pháo nổ đã được cảnh báo và diễn ra trong thực tế. Lực lượng chức năng đã triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kết hợp tuyên truyền, vận động người dân không mua bán, vận chuyển, sử dụng, tự chế pháo nổ. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm về pháo nổ vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp. Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng liều lĩnh vận chuyển pháo nổ từ biên giới nhập lậu tiêu thụ trong nước kiếm lời. Với học sinh, thiếu niên vì tò mò và muốn khám phá, thể hiện nên đã mua các loại thuốc về tự chế pháo nổ.
Để không còn tình trạng mua bán, vận chuyển, sản xuất, sử dụng và tự chế pháo nổ ngoài sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng cần hơn nữa sự phối hợp đồng bộ, sát sao của xã hội, nhà trường và gia đình. Mỗi gia đình cần quản lý, giáo dục con em mình nâng cao nhận thức về những hiểm nguy do pháo nổ, không tự ý mua bán, chế tạo, sử dụng pháo nổ để tránh những vụ việc đáng tiếc do pháo nổ gây ra. Lực lượng an ninh các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát địa bàn kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp sản xuất, buôn bán, tàng trữ, sử dụng pháo nổ, tạo sức răn đe.
Hãy bài trừ pháo nổ trước hết vì tính mạng, an toàn của mỗi người.