Y tếSức khỏe

Sợ... khói thuốc lá

07:19 - Chủ Nhật, 23/10/2022 Lượt xem: 8111 In bài viết

ĐBP - Thuốc lá và khói thuốc lá có rất nhiều chất vô cùng độc hại cho cơ thể. Hầu hết người dân đều “sợ”, tránh xa khói thuốc để bảo vệ sức khỏe của mình, đặc biệt là những người mắc bệnh về hô hấp.

Bác sĩ Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhi mắc bệnh về hô hấp.

Thời tiết giao mùa khiến các bệnh về hô hấp gia tăng, đặc biệt là các bệnh mạn tính dễ tái phát, kích ứng, như: Hen phế quản, viêm phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính... ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng. Đối với các bệnh trên, bác sĩ luôn nhắc nhở người bệnh cần tạo môi trường sống trong lành, tránh các yếu tố nguy cơ như thuốc lá. Dù hút thuốc lá trực tiếp hay thụ động (hít phải khói thuốc) đều tăng mức độ trầm trọng của các bệnh lý về hô hấp. Với bệnh hen suyễn, người hút thuốc dù không hút trong nhà nhưng khói thuốc bám vào áo quần vẫn có thể làm kích phát cơn hen ở một số người nhạy cảm. Tuy nhiên việc tránh xa hoàn toàn khói thuốc là điều không dễ trong xã hội hiện nay, bởi sự tràn lan, dễ dàng mua bán thuốc lá, cùng với đó là ý thức kém của nhiều người hút thuốc, nhất là chưa có cơ chế xử phạt rõ ràng, quyết liệt việc hút thuốc lá nơi công cộng.

Anh Cà Văn Hưng, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) có tiền sử hen phế quản. Mỗi năm khi thời tiết giao mùa chuyển lạnh anh lại bị khó thở. Từ khi được chẩn đoán bệnh, anh luôn cố gắng hạn chế tiếp xúc gần với khói thuốc nhưng vẫn không tránh khỏi nhiều lần lên cơn khó thở, ho khó kiểm soát do hít phải khói thuốc lá. Anh Hưng chia sẻ: “Nhiều bạn bè, người thân của tôi hút thuốc, mà họ đã quen từ lâu là ngồi đâu châm thuốc ở đó, tự nhiên nhả khói. Vì thế đôi lúc mình không để ý, không phản ứng kịp. Đi ra ngoài cũng gặp người hút thuốc tại quán ăn, quán nước, muốn tránh khói thuốc để giữ sức khỏe cho mình mà thật khó”.

Đối với trẻ em, hít phải khói thuốc lá thụ động sẽ dễ mắc các bệnh liên quan đến phổi. Một số triệu chứng thường gặp như ho, có đờm, khó thở, viêm phổi... Đặc biệt đây là thời điểm nhiều trẻ em dễ ốm, mắc bệnh về hô hấp, nếu hít phải khói thuốc sẽ làm bệnh của các em trầm trọng, lâu khỏi hơn. Không chỉ vậy nếu thường xuyên sống chung với khói thuốc lá, trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn và một số bệnh hô hấp mạn tính.

Bác sĩ Đỗ Thị Lan Hương, Phó trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: “Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi, không khí chuyển lạnh, độ ẩm cao tạo môi trường sinh sôi vi rút, mầm bệnh, làm gia tăng số trẻ thăm khám, nhập viện điều trị, nhiều nhất là bệnh về hô hấp. Dù không thể khẳng định, thống kê số trẻ mắc các bệnh về hô hấp do liên quan đến khói thuốc lá nhưng  thực tế trẻ có bố, mẹ hoặc người nhà hút thuốc lá thường dễ mắc các bệnh này hơn so với những trẻ có người thân không hút thuốc lá. Và trong quá trình điều trị, thậm chí điều trị khỏi bệnh về nhà vẫn hít phải khói thuốc lá thì bệnh có thể tái diễn, thậm chí nặng hơn. Không chỉ vậy khói thuốc lá còn ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ nói riêng, mọi người nói chung. Do đó, ngoài việc điều trị cho trẻ, thì chúng tôi cũng nhắc nhở, dặn phụ huynh phải để con hít thở không khí trong lành, không tiếp xúc với khói thuốc”.

Nhiều người thường cho rằng, chỉ cần không hút thuốc lá trước mặt trẻ em hoặc không hút trong nhà thì không ảnh hưởng đến trẻ. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí, vương trên rèm cửa, đồ nội thất, quần áo... ngay cả khi không nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Hoặc sau khi hút thuốc mà cha mẹ, người lớn trực tiếp trò chuyện, ôm ấp con thì khói thuốc trong hơi thở có thể phả vào em bé, khiến bé hít phải và nhiễm độc. Để bảo vệ sức khỏe của mình và người thân, mỗi người cần nâng cao ý thức bài trừ thuốc lá và lên tiếng với những hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top