Nỗ lực gìn giữ tinh hoa dân tộc

08:28 - Thứ Năm, 14/07/2022 Lượt xem: 7959 In bài viết

ĐBP - Với bề dày văn hóa của 19 dân tộc, Điện Biên có đa dạng các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc. Thế nhưng thực tế cho thấy, bản sắc văn hóa của một số dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị mai một, các giá trị văn hóa truyền thống của một số dân tộc thiểu số chưa được phát huy, thế hệ trẻ chưa tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình mà hầu hết những cá nhân tham gia thực hành, trình diễn và nắm giữ các loại hình dân ca, dân vũ, nhạc dân tộc... là các thế hệ trung cao niên. Đứng trước nguy cơ đó, nhiều giải pháp được đưa ra để gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, tinh hoa của các dân tộc.

Tiết mục văn nghệ trong Chương trình Giao lưu văn hóa dân tộc Thái tại Điện Biên lần thứ III năm 2022.

Ngành chức năng vào cuộc

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh chủ trì, phối hợp mở 2 lớp tập huấn văn hóa văn nghệ cơ sở; trong đó, 1 lớp tại xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo. Tại lớp tập huấn, học viên đã được truyền đạt một số hình thức xây dựng các chương trình giao lưu với phong phú loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc đặc biệt đã chắt lọc được một số trò chơi văn hóa đặc sắc của dân tộc Mông để thể hiện. Ấn tượng mạnh mẽ, sâu sắc nhất từ lớp tập huấn là tình cảm chân thành của các đồng nghiệp, các nghệ nhân, quan trọng hơn cả là những người con của dân tộc Mông, dân tộc Kháng đã tìm về được cội nguồn văn hóa tinh thần để cùng giao lưu, phát triển các loại hình nghệ thuật này hòa chung vào sự hội nhập đi lên của tỉnh. Là người trực tiếp đứng lớp, hướng dẫn các học viên nhiều lớp tập huấn để phát triển văn hóa, văn nghệ cho cơ sở, bà Bùi Thị Hồng Lanh, Trưởng phòng Văn nghệ quần chúng (Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh tỉnh) rất xúc động khi nghe nhiều học viên chia sẻ những cảm nghĩ của mình. Bà Lanh nói: Các lớp tập huấn như là nền tảng giới thiệu, giao lưu nét văn hóa riêng biệt của từng dân tộc đến với mọi người, nhằm cùng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nghi thức dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, và trò chơi dân gian để giao lưu trong cộng đồng. Tại các lớp tập huấn, tôi được nghe nhiều những câu chuyện bên lề rất xúc động. Như có đồng chí phó chủ tịch một xã đã rớm nước mắt khi được xem lại những bài dân ca, dân vũ, những trò chơi dân gian của dân tộc mình tái hiện trên sân khấu. Tâm sự với tôi, anh nghẹn ngào rằng: “Những nét văn hóa đó từ lâu đã không thấy ở bản mình. Tưởng chừng những ký ức đó đã không còn nữa, thế nhưng lại được tái hiện hết sức sinh động tại đây”... Đó thực sự là động lực để chúng tôi tiếp tục nỗ lực gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống dân ca, dân vũ, dân nhạc trong cộng đồng”.

Không chỉ riêng Trung tâm, Văn hóa Điện ảnh, nhiều cấp, ngành cũng đang vào cuộc tích cực trong nỗ lực giữ gìn những bản sắc văn hóa truyền thống. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Thời gian qua, các huyện đã tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng, Ngày hội văn hóa các dân tộc, Ngày hội đoàn kết các dân tộc, đóng góp tích cực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc. Tiêu biểu như huyện Điện Biên, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Ảng và TX. Mường Lay. Cùng với đó, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã thành lập 1 Câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh; 1 câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Điện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian các dân tộc. Hàng năm Sở tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban, cùng với đó còn phối hợp, hướng dẫn huyện Điện Biên tổ chức thành công Lễ hội Đền Hoàng Công Chất và TX. Mường Lay tổ chức Lễ hội Đua thuyền đuôi én. Trong các lễ hội, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc đều được biểu diễn, góp phần bảo tồn và phát huy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Điện Biên.

Sự chung tay của cộng đồng

Trong thực tế, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nhất là các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc và có thể gắn với phát triển du lịch một cách hiệu quả, bên cạnh giải pháp của các ngành chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức, trách nhiệm của chính người dân trong giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống đóng vai trò quan trọng. Toàn tỉnh hiện có gần 1.300 đội văn nghệ quần chúng, việc duy trì sinh hoạt thường xuyên của các đội văn nghệ đã phát huy những giá trị về nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc, đồng thời tạo ra những hạt nhân để thực hành, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.

Mới đây, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái phối hợp tổ chức Chương trình Giao lưu văn hóa dân tộc Thái tại Điện Biên lần thứ III năm 2022 với chủ đề “Mường Thanh điểm hẹn”. Khác hẳn với những lần trước chỉ gói gọn trong tỉnh nhà, chương trình lần này có sự tham gia của gần 300 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, các bạn trẻ của các câu lạc bộ văn hóa dân tộc Thái tới các tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Nghệ An. Chương trình được tổ chức với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao sôi nổi, hấp dẫn, như: Trình diễn trang phục dân tộc Thái, viết chữ Thái cổ, các trò chơi dân gian truyền thống dân tộc Thái... Tất nhiên, trong chương trình này không thể thiếu được các màn hát, múa, biểu diễn nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của nghệ nhân đến từ các tỉnh. Bà Lò Thị Kim - Chủ nhiệm CLB Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian dân tộc Thái chia sẻ: “Chương trình được tổ chức nhằm tôn vinh nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái, để đồng bào dân tộc Thái cùng gặp gỡ, giao lưu, hòa mình vào các lễ hội truyền thống. Qua đó, tiếp nối đến thế hệ trẻ, bảo tồn những trò chơi dân gian như tung còn, đi cà kheo, viết chữ Thái cổ, bảo tồn các lời ca, tiếng hát, điệu múa, nhạc cụ của dân tộc Thái Điện Biên nói riêng, của dân tộc Thái cả nước nói chung. Đó là những giá trị có từ xa xưa mà ngày nay nhiều người tưởng như đã quên lãng. Nhưng khi tập hợp về đây, giao lưu trên sân khấu này thì lại rất sôi động, hấp dẫn. Đó là một niềm vui rất lớn với tôi”.

Giống như bà Kim, bà Bạc Thị Luyện, bản Tông Khao, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) là một trong số những người nặng lòng với văn hóa Thái. Ngay từ khi còn nhỏ, bà Luyện đã được đắm mình trong các điệu múa truyền thống của dân tộc Thái, ghi nhớ từng động tác, từng lời hát của ông bà, cha mẹ. Tình yêu ấy lớn dần theo năm tháng đã giúp bà là một trong số ít người còn lưu giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc qua những điệu múa, những lời ca tiếng hát và một số phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Thái. Để giữ gìn, bảo tồn nét văn hoá đặc sắc của dân tộc, tháng 2/2019, bà đứng lên thành lập Câu lạc bộ Hoa ban khuống bản em Mường Thanh Điện Biên - nơi hội tụ của những người yêu thích các điệu múa của dân tộc Thái. “Từ yêu văn hóa Thái, muốn lưu giữ truyền lại cho cho các thế hệ sau này nên tôi tập hợp mọi người vào một đội văn nghệ, từ đó phát triển dần lên thành câu lạc bộ. Hiện Hoa ban khuống bản em Mường Thanh Điện Biên có 150 hội viên chia thành 12 đội văn nghệ sinh hoạt chủ yếu tại huyện Tuần Giáo và huyện Điện Biên. Những điệu múa truyền thống mà các thành viên trong câu lạc bộ thể hiện như: Múa bật bông, múa xoè đều mang đậm nét văn hoá Thái... Mỗi thành viên trong Câu lạc bộ những người con dân tộc Thái, những người yêu văn hóa Thái đã và đang góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá của đồng bào dân tộc Thái, nhằm lưu truyền cho các thế hệ mai sau trên mảnh đất Mường Thanh - Điện Biên”.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top