Nghiên cứu, xây dựng chương trình khắc phục hạn chế, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đối với trẻ em là một trong các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tại Chỉ thị số 36/CT-TTg ngày 31-12-2021. Triển khai nhiệm vụ này, đã có nhiều khuyến nghị được đưa ra, nhằm xây dựng chính sách toàn diện, củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em.
Quang cảnh Hội thảo kỹ thuật xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trẻ em di cư giai đoạn 2022-2030, tổ chức tháng 6-2022.
Phòng ngừa sang chấn tâm lý ở trẻ em
Theo Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Vũ Thị Kim Hoa, chúng ta chưa có chương trình riêng về chăm sóc sức khỏe tâm thần, có sự can thiệp đa ngành về y tế, giáo dục, an sinh xã hội để khắc phục những ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh, thiên tai. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, dịch Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và điều kiện sống của thanh thiếu nhi trong nhiều năm tới. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo, sự thiếu hụt trầm trọng nguồn lực đầu tư vào chăm sóc sức khỏe tâm thần, trong khi dịch Covid-19 lại đang làm tăng thêm các nhu cầu cần hỗ trợ về vấn đề này. Hiện nay, Việt Nam có từ 8% đến 20% trẻ em và vị thành niên gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung.
Chuyên gia của UNICEF Việt Nam Nguyễn Thị Y Duyên chia sẻ: Trên toàn thế giới, hơn 13% trẻ 10-19 tuổi phải chung sống với rối loạn tâm thần, trong đó 86 triệu trẻ em thuộc nhóm 15-19 tuổi, 80 triệu trẻ em thuộc nhóm 10-14 tuổi. Lo âu và trầm cảm chiếm khoảng 40% các rối loạn tâm thần được chẩn đoán. Trong khi đó, căng thẳng tâm lý xã hội có thể làm gián đoạn cuộc sống, sức khỏe và triển vọng tương lai của các em.
Thực trạng về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em hiện nay còn tồn tại nhiều vấn đề đáng lo ngại. Các em có nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, bao gồm lo lắng, trầm cảm, khó điều chỉnh cảm xúc, ý định tự tử và sử dụng chất kích thích. Đây có thể là kết quả từ các yếu tố xã hội và môi trường, như gia đình (quan hệ giữa cha mẹ và con cái, sức khỏe tâm thần của người chăm sóc…) và trường học. Ngoài ra, còn phải kể đến các yếu tố nguy cơ bổ sung: Cô lập cảm xúc, nghiện công nghệ, thiếu lòng tự trọng, nhận thức tiêu cực về ngoại hình, các quy tắc có vấn đề ở gia đình, tình trạng kinh tế - xã hội thấp, áp lực học tập và tình trạng ngược đãi trẻ em vẫn còn…
Ở Việt Nam, học sinh thường không cảm thấy thoải mái, khi tìm tới giáo viên để nhờ hỗ trợ về mặt học tập hay cảm xúc xã hội. Còn học sinh thuộc nhóm LGBTQ (đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới) phải đối mặt với những thách thức về nỗi sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử.
Khuyến nghị nhiều giải pháp giá trị
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia đã góp ý, khuyến nghị các giải pháp, nhằm góp phần xây dựng chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em một cách toàn diện.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, điều phối viên Liên minh Phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam đề nghị phải sớm kiện toàn hệ thống giáo dục và tư vấn tâm lý học đường, tăng cường giáo dục gia đình, hỗ trợ phụ huynh về kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc và giao tiếp, hướng tới thay đổi chuẩn mực hành vi của trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An nhấn mạnh, giải pháp cốt lõi là đẩy mạnh giáo dục gia đình, phát hiện và hỗ trợ giảm thiểu áp lực tâm lý khi con bị quá tải về học hành. Cùng với đó, phải tăng cường năng lực, kiến thức, phương pháp, kỹ năng của cán bộ tại các trung tâm bảo trợ xã hội; đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả “Chiến lược quốc gia về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2018-2025”.
Chuyên gia của UNICEF Việt Nam Nguyễn Thị Y Duyên cũng khuyến nghị thêm, như: Tăng cường chính sách phối hợp trong tư vấn tâm lý và sức khỏe tâm thần cho trẻ em và trẻ vị thành niên; hoàn thiện luật pháp và chính sách liên quan đến chăm sóc sức khỏe tâm thần trong hệ thống trợ giúp xã hội và an sinh xã hội; tăng cường các chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trong trường học. Cùng với đó, phải tăng cường phối hợp liên ngành, lồng ghép nội dung sức khỏe tâm thần cho trẻ em, trẻ vị thành niên vào các chương trình đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ y tế chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em và trẻ vị thành niên; lồng ghép vấn đề này trong các chương trình đại học đào tạo giáo viên, phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội và nhân viên tâm lý học đường chuyên nghiệp.
Hiện tại, Cục Trẻ em đang phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng “Chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần, chăm sóc trẻ em mồ côi và trẻ em di cư dựa vào cộng đồng giai đoạn 2022-2030”. Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam cho biết, những khuyến nghị từ các chuyên gia là nguồn tham khảo quý giá, góp phần xây dựng chính sách, củng cố hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tâm lý xã hội cho trẻ em.