Kinh tếNgân hàng CSXH

Tín dụng chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế

07:32 - Thứ Hai, 13/03/2023 Lượt xem: 2506 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát song việc phục hồi kinh tế sau dịch vẫn còn nhiều khó khăn. Để người dân, doanh nghiệp ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất sau dịch, tỉnh ta đã triển khai kịp thời nguồn vốn chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Sau hơn 1 năm triển khai, tín dụng chính sách đã góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Điện Biên hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình được coi là “chìa khóa vàng”, là giải pháp căn cơ nhằm lấy lại đà tăng trưởng, phát triển kinh tế, giải quyết việc làm và những vấn đề xã hội khác, đưa kinh tế - xã hội nước ta phục hồi, phát triển. Thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Điện Biên đã triển khai, tập huấn quy trình nghiệp vụ cho vay, sẵn sàng mọi điều kiện cho vay. Chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách đến người dân; tổng hợp nhu cầu vay vốn và hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân vốn tới đúng đối tượng thụ hưởng chính sách.

Ông Hoàng Ngọc Thương, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên khẳng định: Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ là quyết sách kịp thời giúp giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, người dân vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, chi nhánh NHCSXH tỉnh đã giải ngân 224,512 tỷ đồng với 2.709 khách hàng, gồm: Giải quyết việc làm 140 tỷ đồng với 1.958 khách hàng; nhà ở xã hội 62,732 tỷ đồng với 154 khách hàng; HSSV mua máy tính 1,31 tỷ đồng với 89 khách hàng; cơ sở giáo dục dân lập 200 triệu đồng với 2 khách hàng và cho vay theo Nghị định 28/NĐ-CP là 20,541 tỷ đồng với 506 khách hàng.

Trước khi xảy ra dịch Covid-19, anh Quàng Văn Liêm, bản Nà Nghè, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) thường xuyên ký hợp đồng ngắn hạn với các chủ công trình xây dựng để làm công nhân, tạo thêm thu nhập từ 5 - 6 triệu đồng/tháng, góp phần trang trải cuộc sống gia đình. Từ năm 2020 dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các địa phương thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh, những người lao động tự do như anh Liêm đều bị mất việc làm. Anh Liêm trở về địa phương phát triển sản xuất nông nghiệp cùng gia đình.

Anh Quàng Văn Liêm cho biết: Trong 2 năm (2020 - 2021), mất nguồn thu nhập từ đi làm thuê, cuộc sống gia đình tôi thực sự khó khăn. Đến đầu năm 2022, gia đình tôi được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tôi đã đăng ký vay vốn theo chương trình hỗ trợ giải quyết việc làm được 50 triệu đồng để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tôi vay mượn thêm anh em trong gia đình làm chuồng trại và mua 3 con bò sinh sản. Đến nay, đàn bò của gia đình đã có 4 con và chuẩn bị đẻ con bò thứ 5. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gia đình tôi phục hồi sản xuất, ổn định cuộc sống.

Vợ chồng anh Phạm Văn Toản rời quê hương lên thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) lập nghiệp đã hơn 10 năm nay. Mức lương giáo viên chỉ đủ giúp gia đình anh Toản trang trải cuộc sống, cho con học tập. Nhiều năm nay, gia đình anh Toản gồm 4 người chung sống trong căn nhà cấp 4 khá chật hẹp và xuống cấp từng ngày. Đã nhiều lần lên kế hoạch xây nhà mới song nguồn lực chưa đủ nên anh Toản đều phải tạm dừng ý định. Năm 2022, gia đình an Toản được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Tủa Chùa giải ngân 400 triệu đồng từ chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị quyết 11/NQ-CP để xây dựng nhà mới. Công trình đã hoàn thành và sử dụng từ quý IV/2022.

Theo đánh giá của NHCSXH Việt Nam, tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của tỉnh Điện Biên thuộc tốp các tỉnh có tỷ lệ giải ngân cao tại khu vực Tây Bắc. Tuy nhiên, giải ngân nguồn vốn đối với giải quyết việc làm còn thấp, chưa đáp ứng nhu cầu vay vốn. Công tác triển khai cho vay đối với chương trình HSSV mua máy tính còn chậm; số cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định số 11/2022/QĐ-TTg ngày 27/04/2022 của Chính phủ ít… Theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, nguồn vốn tín dụng chính sách cho chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 chỉ triển khai trong vòng 2 năm (2022 - 2023). Năm 2023, tổng nhu cầu vốn vay của toàn tỉnh Điện Biên là 377,223 tỷ đồng.

Ông Hoàng Ngọc Thương cho biết: Để triển khai hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, tăng tỷ lệ giải ngân vốn, năm 2023 NHCSXH chi nhánh tỉnh Điện Biên tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và đối tượng chính sách khác về chính sách cho vay ưu đãi. Ngân hàng sẽ nỗ lực thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Điện Biên, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top