Khơi dậy tiềm năng, trí tuệ sáng tạo

09:54 - Thứ Tư, 23/11/2022 Lượt xem: 5081 In bài viết

Một trong những mục tiêu xuyên suốt mà Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” ở Học viện Hậu cần hướng tới, đó là quan tâm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào giảng dạy và thực tiễn đơn vị. Với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, phong trào đã khơi dậy tiềm năng, trí tuệ của cán bộ, đoàn viên công đoàn, tạo động lực thi đua, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

“Nở hoa sáng kiến”

Đại úy Nguyễn Thị Phương Lan, nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu khoa học Hậu cần quân sự là một trong những điển hình tiên tiến Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” giai đoạn 2017-2022 của Học viện Hậu cần. Ít ai biết, cô gái mang tên loài hoa đẹp là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học giá trị.

Các đại biểu tham quan gian trưng bày các đề tài, sáng kiến cải tiến tại Học viện Hậu cần, tháng 6-2022.  

Đặc biệt, vừa qua, Lan đã tham gia nghiên cứu đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất suất ăn dã ngoại phục vụ sư đoàn bộ binh huấn luyện diễn tập, hành quân và chiến đấu”. Đề tài được Hội đồng khoa học cấp Bộ Quốc phòng đánh giá xuất sắc. Kết quả nghiên cứu của đề tài được ứng dụng trong sản xuất một số sản phẩm phục vụ trưng bày tại các hội nghị do Bộ Quốc phòng, học viện tổ chức và được sử dụng trong các đợt diễn tập và hoạt động đặc thù.

Không chỉ say mê nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn học viện còn linh hoạt ứng dụng kiến thức lý luận (ở nhà trường) vào các hội thi, hội thao trên trường quốc tế. Là giảng viên bộ môn kỹ thuật, Khoa Quân nhu, từng tham gia viết nhiều sáng kiến về ngành, thế nên khi trở thành vận động viên Đội tuyển Bếp dã chiến tham gia Hội thao quân sự quốc tế năm 2021 tổ chức tại Liên bang Nga, Trung tá Cao Quang Vị luôn tự tin chiến thắng. Anh cùng Đội tuyển Bếp dã chiến chủ động lên kế hoạch, xây dựng quyết tâm luyện tập và tinh thần thi đấu cao nhất. Nhờ đó, kết quả nội dung thi bắn súng Đội tuyển Bếp dã chiến của Quân đội nhân dân Việt Nam đứng thứ hai sau nước chủ nhà, toàn đoàn đoạt Huy chương Đồng. Ở nội dung thi đấu thể thao anh Vị đoạt Huy chương Vàng.

Thượng tá Đỗ Đức Tùng, Phó chủ nhiệm Chính trị Học viện Hậu cần cho biết: “Thời gian qua, hưởng ứng Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, cán bộ, đoàn viên công đoàn học viện luôn tích cực tham gia nghiên cứu đề tài, sáng kiến, viết bài trên nhiều tạp chí khoa học trong và ngoài quân đội. Các đề tài nghiên cứu đã đi sâu vào những vấn đề thực tiễn công tác bảo đảm hậu cần, tài chính. Các tác giả đã đề xuất những giải pháp có tính khả thi, nhiều đề tài, sáng kiến đoạt giải thưởng ở các cấp, nhiều giáo trình, tài liệu được đưa vào giảng dạy. Phong trào đã phát huy tài năng, trí tuệ, niềm đam mê, tinh thần khắc phục khó khăn nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn học viện”.

Đột phá vào khâu yếu, việc khó

Học viện Hậu cần là trung tâm giáo dục và đào tạo, nghiên cứu khoa học hậu cần, tài chính quân sự. Do đặc thù phần lớn cán bộ, đoàn viên công đoàn làm công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học nên Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của đơn vị tập trung hướng tới mục tiêu phát huy các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng vào giảng dạy và thực tiễn đơn vị. Để phong trào đạt hiệu quả thiết thực, tổ chức công đoàn các cấp quán triệt, tuyên truyền, động viên các tập thể, cá nhân phát huy tính tích cực, tự giác nghiên cứu khoa học.

Một mặt triển khai thực hiện chất lượng các đề tài, sáng kiến theo sự phân công, mặt khác căn cứ đặc điểm đơn vị, chuyên ngành, phong trào thi đua hướng việc nghiên cứu vào những mảng đề tài mới, khó, cấp thiết, mang tính khả thi. Khi đã có hướng đề tài thì lựa chọn hạt nhân nghiên cứu, xây dựng nội dung và tiêu chuẩn thi đua cụ thể, sát với nhiệm vụ chính trị. Nghiên cứu, sáng tạo luôn đòi hỏi cái mới, đột phá, vì vậy quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn, thậm chí rủi ro, do vậy các cơ quan luôn sát sao tiến độ cũng như quan tâm, tạo điều kiện để các nghiên cứu viên tập trung nghiên cứu hiệu quả.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, đoàn viên công đoàn các khoa giáo viên và viện nghiên cứu-lực lượng chủ lực đã cụ thể hóa hoạt động thi đua thông qua việc tích cực hưởng ứng các mô hình, phong trào thi đua: “Dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt”; “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; Phong trào “Tuổi trẻ sáng tạo”... Thông qua đó góp phần khích lệ, động viên cán bộ, đoàn viên công đoàn nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Minh chứng là 5 năm qua học viện đã có 119 lượt đoàn viên công đoàn tham gia nghiên cứu đề tài, sáng kiến, trong đó 17 đề tài, sáng kiến cải tiến đoạt giải cấp toàn quân; biên soạn 87 giáo trình, tài liệu, 175 bài báo khoa học. Cùng với việc tổ chức giáo dục, quán triệt nội dung, chỉ tiêu phong trào thi đua, các tổ chức công đoàn thường xuyên coi trọng công tác sơ kết, tổng kết; biểu dương, khen thưởng, nhân rộng các điển hình tiên tiến. Thông qua tọa đàm, viết tin, bài tuyên truyền đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cán bộ, đoàn viên nói riêng, toàn học viện nói chung.

Trung tướng Dương Đức Thiện, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Hậu cần khẳng định: “Nhìn lại 5 năm qua, Phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của học viện đã tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm và hành động, góp phần đổi mới phương pháp, tác phong, lề lối làm việc, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, đoàn viên công đoàn, góp phần quan trọng xây dựng học viện vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top