Trên tuyến đầu phòng chống, khắc phục thiên tai

20:05 - Chủ Nhật, 27/11/2022 Lượt xem: 4930 In bài viết

ĐBP - Với tinh thần vì nhân dân phục vụ, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh luôn khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, xung kích trên tuyến đầu, cùng các lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp nhân dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống.

LLVT huyện Mường Chà giúp người dân bản Phiêng Đất B, xã Nậm Nèn di dời tài sản ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở. Ảnh: CTV

Tất cả vì nhân dân

Điện Biên là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai, như: Mưa to, lũ quét, sạt lở đất, giông, sét... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm, tại các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên Đông, thị xã Mường Lay, giông, lốc, mưa đá, lũ, sạt lở đất đã khiến 10 người chết, 4 người bị thương, thiệt hại 177 nhà dân, 2 trường học; sét đánh chết 14 con gia súc, lũ cuốn trôi hàng trăm con gia cầm; hư hỏng 2 công trình thủy lợi, 1 cầu ngầm... Tổng thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố trên địa bàn tỉnh năm 2022 ước tính khoảng gần 25 tỷ đồng.

Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, LLVT tỉnh đã khẩn trương huy động lực lượng giúp nhân dân, chính quyền các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.

Tại huyện Nậm Pồ, mưa kéo dài những ngày cuối tháng 5 đã khiến khu vực đầu bản Huổi Đắp, xã Nậm Tin bị sạt lở, hình thành vết nứt dài khoảng 200m, nền đồi bị nứt toác, sụt lún sâu khoảng 1m. Khi ấy, bản Huổi Đắp có 77 hộ với hơn 400 nhân khẩu, trong đó 26 hộ với hơn 136 nhân khẩu bị ảnh hưởng cần di dời do nguy cơ sạt lở đất.

Nhận định nguy cơ sạt lở nghiêm trọng từ cung trượt đe dọa an toàn tính mạng, tài sản của người dân, UBND huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn cử cán bộ, chiến sĩ vào cuộc tuyên truyền, vận động và giúp nhân dân di chuyển khẩn cấp. Theo đó, chỉ trong vòng 6 ngày, gần 270 người là cán bộ, chiến sĩ LLVT, giáo viên, cùng đông đảo người dân ở xã Nậm Tin đã không quản ngại gian khổ, giúp các gia đình tháo nhà, chuyển đồ đến khu vực an toàn.

Trực tiếp chỉ huy và tham gia tháo dỡ, di dời nhà cửa cho người dân bản Huổi Đắp, Thiếu tá Giàng A Chiến, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Nậm Pồ chia sẻ: Ngay khi nắm được thông tin, chúng tôi đã nhanh chóng lên phương án, phân công cán bộ, chiến sĩ lập tức lên đường đến bản Huổi Đắp tham gia hỗ trợ sơ tán bà con đến nơi an toàn. Khoảng cách di chuyển từ nơi ở cũ đến nơi mới chỉ khoảng 800m, nhưng vì đường trơn lại không có máy móc, mọi việc đều phải dùng sức người vận chuyển. Vất vả vô cùng, song ai cũng nhiệt tình và hết sức trách nhiệm.

Sẵn sàng mọi tình huống

Trước diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của thiên tai có chiều hướng gia tăng, Bộ CHQS tỉnh đã chủ động tham mưu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh xây dựng kế hoạch, lập các phương án bố trí lực lượng sát với từng tình huống, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ; đồng thời, quán triệt, triển khai sâu rộng đến các đơn vị, lực lượng làm tốt mọi công tác chuẩn bị, sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.

LLVT huyện Nậm Pồ giúp người dân bản Huổi Đắp tháo dỡ, di dời nhà đến nơi an toàn. Ảnh: CTV

Trên cơ sở quán triệt và thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy, lực lượng, phương tiện và hậu cần), Bộ CHQS tỉnh đặc biệt ưu tiên đầu tư về con người và trang thiết bị bổ sung cho các đơn vị cơ sở. Bởi đây là những nơi cần nâng cao năng lực chuyên sâu, khả năng cơ động, ứng phó kịp thời các tình huống khẩn cấp về thảm họa, thiên tai.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, với những nơi dự báo nguy cơ xảy ra thiên tai, chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực cứu hộ cứu nạn, nắm chắc tình hình diễn biến của thời tiết trên địa bàn luôn được duy trì nghiêm và đặt ở mức cao nhất. Đối với những địa bàn đã xảy ra hậu quả nghiêm trọng, lãnh đạo các đơn vị cơ sở, thậm chí là lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo, chỉ huy kịp thời các đơn vị chống thiên tai, bão, lũ. Tại các vùng trọng điểm, xung yếu, lãnh đạo đơn vị cũng thường xuyên nắm tình hình, tổ chức chỉ huy, hiệp đồng chặt chẽ, điều động lực lượng, phương tiện kịp thời xử lý.

Cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh đã không quản ngại gian khổ, hy sinh, kịp thời có mặt ở những nơi, những vùng khó khăn, nguy hiểm nhất, trong thời điểm cam go nhất để sát cánh cùng địa phương, người dân chống lụt, bão và khắc phục hậu quả.

Trung tá Phạm Trường Sinh, Trưởng Ban Tuyên huấn, Bộ CHQS tỉnh cho biết: Sẵn sàng, chủ động trong mọi tình huống, từ đầu năm đến nay, Bộ CHQS tỉnh đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị tổ chức lực lượng xuống địa bàn phối hợp với nhân dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả thiên tai với gần 1.000 lượt cán bộ thường trực, DQTV, cán bộ công an, biên phòng, ban, ngành, đoàn thể, quần chúng nhân dân và gần 10 lượt phương tiện máy móc tham gia khắc phục thiệt hại do giông lốc, lũ ống, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh. Đã di dời 53 hộ dân thuộc các huyện: Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ, thành phố Điện Biên Phủ, Tủa Chùa ra khỏi khu vực có nguy cơ bị sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đến nơi an toàn, đồng thời giúp các hộ dân ổn định chỗ ở tại nơi ở mới.  

Những việc làm của cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh trên tuyến đầu phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đã thể hiện rõ phẩm chất, truyền thống tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới; góp phần xây đắp tình quân - dân thêm bền chặt, củng cố niềm tin của nhân dân đối với LLVT.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top