Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi Giải báo chí quốc gia về Xây dựng Đảng

Vững thêm “nhịp cầu” nối ý Đảng - lòng dân (bài 1)

09:28 - Thứ Ba, 27/09/2022 Lượt xem: 4923 In bài viết

ĐBP - Với sự tín nhiệm của nhân dân, các trưởng thôn, bản, tổ dân phố (TDP) không chỉ trực tiếp triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự ở từng khu dân cư, mà còn là cầu nối chuyển tải, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Đây cũng là đội ngũ cán bộ cơ sở gần dân nhất, sâu sát nhất, nắm bắt, phản ánh các vấn đề thực tiễn đến cấp ủy, chính quyền các cấp. Mỗi người ở vị trí này đã là một điển hình “vác tù và hàng tổng”, nhưng nếu đồng thời là đảng viên thì tinh thần trách nhiệm, thái độ nêu gương càng cao hơn nữa, làm vững chắc thêm “nhịp cầu” nối ý Đảng - lòng Dân.

Bài 1: “Cánh tay nối dài” tại cơ sở

Thực tế tại cơ sở cho thấy, việc trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên có nhiều ý nghĩa tích cực, nâng cao khả năng truyền đạt, đưa các định hướng, chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; tăng cường vai trò lãnh đạo toàn diện và sâu sát của tổ chức đảng ở thôn, xóm...

Thuận lợi triển khai nhiệm vụ

Anh Cà Văn Thức được tín nhiệm bầu là Trưởng bản Ló, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên từ năm 2016, kết nạp Đảng năm 2019. Công việc ở thôn, bản nghe có vẻ đơn giản, nhưng để đảm nhận tròn vai không hề dễ.

Đứng trong hàng ngũ của Đảng, anh tham gia xây dựng các nghị quyết của Chi bộ, và cũng là người trực tiếp triển khai tới nhân dân, cụ thể hóa tại địa bàn. Tiêu biểu trong đó là nghị quyết về xây dựng nông thôn mới, phấn đấu trở thành bản nông thôn mới kiểu mẫu. Anh Thức chia sẻ: “Tham gia sinh hoạt tại chi bộ, được trực tiếp nghe, thảo luận, bàn bạc để ra các nghị quyết phù hợp, cần thiết với bản. Mình hiểu rõ và tham gia xây dựng nên khi triển khai tới người dân sẽ bài bản, khoa học, đồng nhất và nhanh chóng hơn trước”.

Bí thư chi bộ (thứ 2 từ trái sang) và Trưởng bản Ló (ngoài cùng bên phải), xã Thanh Luông, huyện Điện Biên tuyên truyền người dân tham gia mô hình trồng nấm.

Theo đó, từ năm 2020 đến nay, anh Thức đã cùng các đảng viên, trưởng đoàn thể trong bản tuyên truyền, huy động nhân dân cơi nới nhà văn hóa bản, xây dựng nhà vệ sinh tại khuôn viên nhà văn hóa bản, bê tông hóa 3 tuyến đường nhánh nội bản... Kinh phí xây dựng các công trình dựa trên sự đóng góp của nhân dân hoặc Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời tranh thủ các lớp tập huấn cử người dân tham gia để nâng cao kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt như: Trồng nấm từ phụ phẩm rơm rạ, trồng ngô năng suất, chất lượng cao... Bởi vậy mỗi năm bản Ló giảm 1 – 2 hộ nghèo. Cả bản hiện chỉ còn 5 hộ nghèo trong tổng số 140 hộ.

Mới đây, tại Đại hội Chi bộ bản Ló - Cang Ná nhiệm kỳ 2022 - 2025, Trưởng bản Cà Văn Thức được tín nhiệm bầu là Phó Bí thư Chi bộ, một lần nữa khẳng định sự phấn đấu, nỗ lực vì dân của người đảng viên trẻ.

Ông Lò Văn Thời, Bí thư chi bộ bản Ló - Cang Ná (người bản Ló) nhận xét: “Có trưởng bản là đảng viên, mọi công việc của bản diễn ra nhịp nhàng hơn giữa lãnh đạo và điều hành. Bởi khi họp chi bộ, ai cũng đã nắm rõ nội dung, gắn trách nhiệm với công việc cụ thể được giao. Vì thế trưởng bản chủ động hơn, việc triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, chính sách, chương trình đều nhanh gọn, không mất nhiều thời gian đi lại, họp hành như trước”.

Xã Thanh Luông hiện có 16/18 trưởng thôn, bản là đảng viên, tỷ lệ cao nhất huyện Điện Biên. Ông Lò Văn Pâng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã, cho biết: “Trưởng thôn, bản gắn trách nhiệm người đảng viên làm cho ai nấy đều thêm tích cực, gương mẫu đi đầu. Việc triển khai chỉ thị, nghị quyết các cấp cũng diễn ra thuận lợi hơn, hạn chế tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, mất đoàn kết; hoặc trưởng thôn, bản tiếp nhận công việc quan trọng triển khai từ UBND xã về nhưng không trao đổi, báo cáo chi bộ, đến khi vướng mắc chi bộ mới biết để tìm hướng giải quyết. Sự phối hợp hài hòa, thống nhất trong hoạt động bản đã đóng vai trò quan trọng góp sức xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”. Đây cũng là nhận xét chung của hầu hết cấp ủy cơ sở các địa phương tỉnh ta về các trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên.

Khẳng định vai trò “hạt nhân”

Trưởng thôn, bản, TDP là người “đứng mũi chịu sào” trong quản lý mọi hoạt động ở khu dân cư. Song hành thêm vai trò đảng viên càng đòi hỏi trách nhiệm cao hơn. Những trưởng thôn, bản, TDP đã có khoảng thời gian trong hàng ngũ của Đảng như anh Cà Văn Thức kể trên đã làm tốt 2 vai , là “hạt nhân” đi đầu trong mọi hoạt động của địa phương. Đối với các trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên mới cũng vậy. Họ đã nỗ lực, tích cực rèn luyện, khẳng định bản thân. Và giờ đây họ tiếp tục phấn đấu nhiều hơn nữa để chứng minh mình xứng đáng với cả 2 vai trò ấy.

Trưởng bản Lầu A Di (thứ 2 từ trái sang) cùng người dân Há Dùa và kiểm lâm địa bàn tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ thảo quả dưới tán rừng.

Trưởng bản Lầu A Di:Mong muốn bà con dân bản bớt khó khăn, lạc hậu và bản thân mình được trở thành 1 người đảng viên là động lực để tôi cố gắng, phấn đấu thời gian qua. Giờ đã là đảng viên, tôi nhận thức rõ mình càng phải trách nhiệm, nỗ lực và cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự tín nhiệm, tin tưởng của người dân trong bản, chi bộ, cấp ủy, chính quyền xã.

Anh Lầu A Di là Trưởng bản Há Dùa, xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo mới được kết nạp Đảng ngày 3/9/2022. Anh Di năm nay 38 tuổi nhưng đã 9 năm được bầu là người có uy tín của bản, 6 năm làm trưởng bản. Ở mảnh đất vùng cao chưa có điện, đường, đến nay vẫn còn 39/49 hộ nghèo thì từ năm 2013, gia đình anh Di đã thoát nghèo nhờ chịu khó học hỏi phát triển kinh tế chăn nuôi đại gia súc và là một trong những hộ trồng thảo quả đầu tiên ở Há Dùa. Khi trưởng các đoàn thể ở bản không còn phụ cấp, anh kiêm phụ trách Chi hội Nông dân và Chi đoàn Thanh niên. Những năm qua, anh tích cực tuyên truyền, vận động, phối hợp triển khai các chương trình phát triển kinh tế, nâng cao nhận thức giúp người dân Há Dùa nhân rộng và phát triển hiệu quả 22ha thảo quả, bảo vệ tốt rừng để nhận chi trả dịch vụ môi trường rừng, 2 năm gần đây bản không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên...

Anh Di chia sẻ: “Ngay sau khi vào Đảng, tôi đã tham gia cùng Chi bộ xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm tháng 9 là bảo vệ, thu hoạch và sơ chế tốt thảo quả để giữ chất lượng và giá thành”. Với vai trò Trưởng bản - đảng viên, anh Di đã chỉ đạo và trực tiếp tham gia lập tổ chốt, tuần tra ngăn chặn mất trộm thảo quả dưới tán rừng. Những ngày cuối tháng này, anh cùng bà con ăn ngủ tại rừng để giúp nhau nhanh chóng thu hoạch xong thảo quả, chuyển về phơi sấy.

Mỗi trưởng thôn, bản, TDP là một điển hình tiêu biểu, là “hạt nhân” trong mọi hoạt động tại cơ sở. Bởi vậy, cấp ủy địa phương cùng các chi bộ luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Tổ chức đảng – đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cũng nhận định: “Cần thiết nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên. Với năng lực, trách nhiệm của mình, đội ngũ này đã và đang góp phần tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới; kịp thời quán triệt, triển khai hiệu quả, cụ thể hóa nghị quyết, chỉ thị của Đảng tại cơ sở phù hợp với từng thôn, bản, TDP...”. Tuy nhiên, tính đến tháng 7/2022, toàn tỉnh Điện Biên mới có 62% trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên. Với đặc thù miền núi Điện Biên, việc nâng tỷ lệ trưởng thôn, bản, TDP là đảng viên vẫn còn gặp nhiều khó khăn, dù không thấp nhưng để đạt mục tiêu đề ra vẫn còn khoảng cách lớn.

Bài 2: Nhận diện khó khăn và những giải pháp

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top