Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Giữ “trái tim” đại ngàn vững nhịp đập (2)

14:25 - Thứ Hai, 09/10/2023 Lượt xem: 2244 In bài viết

Bài 2: Giữ sắc xanh núi rừng

ĐBP - Với tâm niệm giữ rừng cũng chính là giữ “mạch nguồn sống” cho bản, mường và cho chính mình; nhiều năm qua cộng đồng các dân tộc xã biên giới Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã luôn đoàn kết, cần mẫn gìn giữ màu xanh mà “mẹ thiên nhiên” ban tặng. “Khi ý Ðảng đã thuận lòng dân” bằng nghị lực, ý chí sắt son và lòng quyết tâm, họ đã đồng lòng, tích cực trèo đèo, lội suối để tuần tra, bảo vệ vững chắc từng cánh rừng đại ngàn nơi biên cương cực Tây Tổ quốc.

 Bài 1: Khi ý Ðảng thuận lòng dân

Lãnh đạo xã Chà Nưa tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bảo vệ rừng.

Dám nhìn thẳng và nhận trách nhiệm

Trong câu chuyện của mình, Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa Khoàng Văn Van - người con Thái trắng của mảnh đất Ba Chà chậm rãi kể: Từ năm 2016, sau khi được điều động, luân chuyển về giữ chức vụ Bí thư Ðảng ủy xã Chà Nưa, tôi đã dành nhiều thời gian cùng với đội ngũ cán bộ xã cuốc bộ vượt núi, băng rừng, lội suối đi khảo sát, kiểm tra thực tế các khu rừng thuộc xã Chà Nưa quản lý, bảo vệ. Ðánh giá thực tế sau các chuyến mục sở thị ông Khoàng Văn Van cho rằng: “Việc để xảy ra tình trạng phát rừng làm nương, đặc biệt tại bản Nậm Ðích trách nhiệm một phần thuộc về cấp ủy, chính quyền từ xã đến thôn, bản”.

Ðặc biệt, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các dân tộc tham gia bảo vệ, phát triển rừng nhiều khi chưa đến nơi, đến chốn. Ðội ngũ cán bộ chưa thực sự sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trong phát triển kinh tế, khai hoang đất sản xuất dẫn tới các vụ việc phá rừng để canh tác. Việc phối hợp thực hiện cắm mốc, cắm biển, cảnh báo ranh giới giữa rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất với đất nông nghiệp để người dân và chủ rừng nắm rõ, không xâm lấn chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, đời sống của người dân tại khu vực gần rừng còn nghèo, tình trạng di dân tự do, thiếu đất sản xuất đã làm tăng áp lực bảo vệ rừng. Trong những năm gần đây, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thiếu việc làm khiến nhiều người dân quay về quê cũ làm ăn, tự ý phát cây, lấn chiếm đất rừng trồng lúa, ngô... Ðiều đó ít nhiều làm cho diện tích, chất lượng rừng, chất lượng đa dạng sinh học ở những cánh rừng đại ngàn bị suy giảm. Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm soát rừng chưa thực sự hiệu quả, nhiều tổ tuần tra chưa đến tận cùng các khe suối, khe núi, nơi giáp ranh khu vực biên giới dễ xảy ra tình trạng phá rừng. Theo thống kê, năm 2019 tỷ lệ che phủ rừng xã Chà Nưa chỉ đạt 55,2%; giai đoạn 2019 - 2021 trên địa bàn xã vẫn để xảy ra 2 vụ phá rừng trái pháp luật; 4 vụ lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Hiện nay, khi mà những cây gỗ lớn vẫn nằm trong tầm ngắm của lâm tặc, tình trạng di dân tự do để lại những hệ lụy nặng nề; để gìn giữ những cánh rừng, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa xác định chỉ có một cách duy nhất đó là dựa vào dân - có sức mạnh của dân thì việc gì cũng thành công. Trên quan điểm đó, xã Chà Nưa đã thường xuyên tuyên truyền, khơi gợi sự đoàn kết, đồng lòng, đồng sức của nhân dân; chú trọng phát huy vai trò của người dân, nhất là đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín, luôn là “tai”, là “mắt” của lực lượng chức năng trong gìn giữ “báu vật” mà thiên nhiên ban tặng.

Xóa điểm “nóng” hủy hoại rừng

Trên chiếc xe wave đời cũ, ông Lèng Văn Sun, Trưởng bản Cấu (xã Chà Nưa) vít ga cật lực đưa tôi vượt qua từng con dốc cao, nằm vắt vẻo quanh sườn núi. Ngồi sau chiếc xe của ông Sun, tầm mắt tôi bị giới hạn bởi hai bên đường là “bức tường xanh” được kiến tạo bởi những cây gỗ lớn, cây dây leo rừng nhằng nhịt.

Dừng chân giữa lưng chừng núi, nơi vẫn còn trơ gốc cây bụi, cây giang cháy đen xì. Ông Sun bảo: “Ðiểm này là khu vực Nong Dan, Huổi Nin giáp ranh với bản Nà Ín, vào khoảng 4 giờ sáng ngày 22/5/2023 đã xảy ra một vụ cháy rừng (nguyên nhân do người dân bản khác đốt lửa lấy ong rừng). Nhờ được phát hiện kịp thời, tổ tuần tra, bảo vệ rừng và người dân đã tiến hành khoanh vùng, làm đường băng và tiến hành dập lửa nên đám cháy được không chế và dập tắt ngay sau đó”. Ông Sun vui vẻ tiếp lời: Bằng sức lao động cần mẫn và sự đoàn kết, hiện bản đã mở được 8km đường tuần tra, bảo vệ rừng. Nếu trước đây phải cuốc bộ, trèo đèo, lội suối đi men theo sườn núi thì phải mất khoảng 1,5 giờ mới đi từ bản vào tới đám cháy. Nhưng giờ đây, đi theo con đường đất do chính tay người dân dùng sức mình mở thì chỉ mất chừng 20 phút đi xe máy, nên việc tuần tra, kiểm soát, chữa cháy rừng cũng dễ dàng hơn.

Bình minh loãng dần, màn sương mai đặc quánh dần bị quấy tan trong ánh nắng trong vắt, chúng tôi quyết tâm thực hiện chuyến ngược ngàn dưới sự chỉ dẫn của anh Mùa A Chang, Trưởng bản Nậm Ðích - bản trước đây được xem là điểm “nóng” về nạn phá rừng của xã Chà Nưa. Sau gần 1 giờ hành quân trên con đường rừng vẫn còn nhem nhép bùn đất, chúng tôi đã tiếp cận được khu rừng già. Dưới tán lá rừng sum suê, anh Chang chậm rãi kể: “Bản mình hiện có 94 hộ, với hơn 500 nhân khẩu (trên 90% là đồng bào dân tộc Mông). Trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế, thiếu đất sản xuất, canh tác; đặc biệt là chính quyền bản chưa sát sao trong tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ nên tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra.

Tự tay cắt bỏ cây bụi, trưởng bản Chang tiếp lời: Bằng những nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động, người Mông nơi đây đã thay đổi nhận thức, yêu rừng, gắn bó và quyết tâm chăm sóc, bảo vệ rừng. Chính họ đã tự giác, chung sức mở con đường đất để bảo vệ rừng (tuyến đường có chiều dài gần 10km); tham gia tổ tuần tra, bảo vệ rừng. Thường thì mỗi tháng 2 lần, hoặc có những lần đột xuất (5 - 6 lần/tháng), không kể trời nắng hay mưa các thành viên trong tổ tự giác tập hợp, cơm nắm, rau rừng cùng nhau vượt núi, băng rừng đến những nơi hẻo lánh, xa nhất để kiểm soát chặt chẽ, không để phá rừng xảy ra. Từ năm 2022 đến nay, bản Nậm Ðích không để xảy ra vụ phá rừng nào.

Ngoài nỗ lực của cộng đồng dân cư bản Nậm Ðích, cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã thống nhất thành lập tổ tuần tra đặc biệt gồm 7 thành viên (công an, bộ đội, kiểm lâm, cán bộ xã…) phối hợp với chính quyền bản tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp. Ông Lò Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã - tổ trưởng chia sẻ: “Các thành viên được phân công thành nhóm nhỏ, đi tuần tra rừng cùng tổ tuần tra của cộng đồng dân cư, hướng dẫn xử lý các vụ việc trên địa bàn. Ðặc biệt, mỗi thành viên phải tích cực sâu sát cơ sở, gần dân, sát dân, nếu trong tháng nhóm nào trực mà để xảy ra tình trạng phá rừng, đốt rừng làm nương… phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ, lãnh đạo xã”.

Từ những kết quả thực tiễn bảo vệ rừng ở Chà Nưa đã minh chứng “yêu rừng, giữ rừng - rừng không phụ”. Những cánh rừng xanh ngút ngàn đã trả ơn người “gác” bằng lớp đất màu mỡ, nguồn nước xanh trong…; góp phần mở ra “cánh cửa” để nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài 3: Thơm thảo tình rừng

Sầm Phúc - Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top