Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Đề án 79 ở Mường Nhé: Bao giờ lạc nghiệp ở dự án an cư? (2)

09:39 - Thứ Ba, 10/10/2023 Lượt xem: 2408 In bài viết

Bài 2: Chưa lạc nghiệp ở dự án an cư

ĐBP - Trong lộ trình thực hiện Đề án 79, làm sao để người dân không chỉ an cư mà còn lạc nghiệp vẫn là điều khiến cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé và không ít người dân thuộc vùng Đề án băn khoăn, trăn trở. Bởi thực tế cho thấy nhiều chỉ tiêu của Đề án thực hiện đạt rất thấp, chưa đáp ứng yêu cầu và kỳ vọng đặt ra.

Bài 1: Ổn cư vùng đất mới

Tuyến đường giao thông nội bản Mường Toong 7 chưa được đầu tư xây dựng.

Người dân chờ hỗ trợ

Với mong muốn sớm định canh, định cư và được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Đề án 79, 22 hộ dân từ tỉnh Sơn La (100% là đồng bào dân tộc Mông) đã khăn gói chuyển về bản Mường Toong 7, xã Mường Toong, huyện Mường Nhé. Ngày đầu chuyển về, bà con ai nấy đều hồ hởi, kỳ vọng vào một cuộc sống mới tại nơi ở mới. Nhiều năm qua đi, dù đã được cấp đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ một số chương trình dự án, song người dân Mường Toong 7 vẫn chưa hết băn khoăn, trăn trở.

Trên con đường nội bản dốc khúc khuỷu, rải cấp phối đã xuống cấp, trơ sỏi đá, anh Mùa A Sếnh, Trưởng bản Mường Toong 7 chia sẻ: Nhiều năm qua, gia đình tôi và 21 hộ dân tái định cư ở Mường Toong 7 đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Tuyến đường từ quốc lộ 4H vào bản đã được bê tông hoá 1km song tuyến còn lại đến trung tâm bản đã hư hỏng nặng, nhiều đoạn sạt lở làm mất hoàn toàn đường đi. Không chỉ vậy, gần 10 năm qua, công trình cấp nước sinh hoạt cho bản cũng chưa được đầu tư. Để có nước sinh hoạt, người dân tự kéo đường ống dẫn nước từ các khe về sử dụng song chỉ đáp ứng đủ nhu cầu vào mùa mưa. Đến mùa khô, một số hộ đầu bản phải đào giếng, còn lại năm nào tình trạng “khát nước” cũng diễn ra, nhất là với những hộ dân ở trên cao như gia đình anh Sùng Dùng Vả, Sùng A Chủ…

Theo chủ trương, mỗi hộ dân di chuyển đến điểm bản mới của Đề án 79 sẽ được cấp 2ha đất nương để canh tác, ổn định cuộc sống. Vốn đã quen với tay cuốc, tay cày bao đời nay, người dân Mường Toong 7 dựa vào phát triển kinh tế nông nghiệp chủ yếu song đất sản xuất thiếu so với nhu cầu, lại khó canh tác do địa hình dốc, bạc màu. Bởi vậy mà bao năm qua tình trạng tranh chấp đất đai của bản với địa bàn lân cận chưa thể giải quyết dứt điểm. Một số người dân thuộc vùng Đề án đã bán nhà, chuyển đi nơi ở khác. Riêng ở bản Mường Toong 7 đã có 5 hộ: Vàng Khua Thể, Vàng A Tà, Mùa Nỏ Dếnh, Vàng A Sềnh, Lỳ Nhè Mua chuyển đi nơi ở mới.

Trao đổi về những trăn trở của người dân Mường Toong 7, ông Lù Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 7 bản với 182 hộ được bố trí theo Đề án 79. Việc giải ngân vốn hỗ trợ phát triển sản xuất chưa thực hiện tại bản Mường Toong 6, Mường Toong 8. Một số hạng mục công trình đã phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng chưa được bố trí vốn đã hết thời gian thực hiện dự án; đến nay phải điều chỉnh thời gian chờ bố trí kế hoạch vốn thực hiện dự án như công trình nước sinh hoạt bản Mường Toong 7. Đặc biệt là tình trạng tranh chấp đất đai giữa hộ dân sở tại và hộ dân của Đề án 79 đã được giao đất chưa được giải quyết dứt điểm. Từ đó, gây bức xúc, hoang mang cho người dân trên địa bàn. Khiến một số hộ gia đình chuyển đi nơi khác sinh sống hoặc khẩu trên địa bàn xã nhưng đi làm ăn nơi khác, dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý dân cư và thực hiện các chế độ chính sách cho người dân.

Sau nhiều ổn cư tại nơi ở mới, người dân bản Mường Toong 7 vẫn chưa được đầu tư công trình nước sinh hoạt.

Kỳ vọng còn xa

Với địa hình miền núi, không chỉ với xã Mường Toong mà hầu hết các điểm bản trên địa bàn 11 xã thuộc vùng triển khai Đề án 79 của huyện Mường Nhé đều “khan” đất canh tác. Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Nhé cho biết: Thực tế, trên địa bàn huyện còn rất ít diện tích có thể khai hoang, bởi có độ dốc lớn, diện tích đất ruộng trồng lúa nước được quy hoạch đầu tư thủy lợi cũng hạn chế. Ngoài ra, sau hơn 10 năm triển khai, nhiều chỉ tiêu Đề án 79 thực hiện đạt thấp so với mục tiêu đề ra, như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở chỉ đạt 18%, bố trí đất sản xuất đạt 40%, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt 9,8%. Các nội dung hỗ trợ ổn định đời sống, hỗ trợ phát triển sản xuất, lương thực và một số chính sách hỗ trợ khác có nội dung chưa thực hiện hoặc thực hiện nhưng đạt kết quả thấp. Hơn nữa, kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ, giải ngân vốn sự nghiệp Đề án còn chậm so với yêu cầu tiến độ. Dù UBND huyện Mường Nhé, đơn vị chủ đầu tư các điểm bản Đề án đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ (hỗ trợ lương thực cho 223 hộ, hỗ trợ di chuyển người và tài sản 553 hộ; hỗ trợ chi phí quản lý điều hành; hỗ trợ giao đất, thực hiện đo đạc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…) với tổng kinh phí mới chỉ hơn 190/1.175 tỷ đồng, bằng 16% mục tiêu đề ra.

Để tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, huyện Mường Nhé xác định, nhiệm vụ tiên quyết là triển khai kịp thời các cơ chế chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành. Tuy nhiên, một số chính sách hỗ trợ của Đề án 79 cho người dân đến nay vẫn chưa được thực hiện. Đơn cử như hỗ trợ khai hoang để trồng cà phê, cao su và các loại cây công nghiệp dài ngày khác với tổng kinh phí đề xuất hỗ trợ hơn 25,9 tỷ đồng. Trong đó, khai hoang ruộng nước, ruộng cạn trên 11 tỷ đồng, khai hoang trồng cà phê, cao su 14,5 tỷ đồng đến nay vẫn chưa thực hiện. Hay như với hỗ trợ giống phân bón để trồng cây cao su, cà phê, theo dự toán của Đề án, UBND tỉnh đề xuất tổng vốn hỗ trợ giống, phân bón để trồng cà phê và cao su gần 54,5 tỷ đồng song đến nay chưa thực hiện hỗ trợ. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần tiền mua giống và hỗ trợ 3 năm tiền mua phân bón để hộ gia đình chuyển đổi từ trồng cây hàng năm sang trồng cây lâu năm (cao su, cà phê, mắc ca) cũng chưa triển khai thực hiện. Mặt khác, mặc dù toàn vùng Đề án 79 không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo tuy có chuyển biến tích cực song chưa đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng mục tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao với 54%. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải xác định rõ nguyên nhân để có những giải pháp thiết thực, cụ thể nhằm triển khai Đề án 79 lộ trình mới hoàn thành đúng, trúng, đầy đủ mục tiêu đặt ra…

Bài 3: Cần giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” Đề án 79

Bài, ảnh: Mai Phương - Mai Giáp
Bình luận

Tin khác

Back To Top