Chính trịXây dựng Đảng

Bài dự thi giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng

Những ngọn đuốc sáng trong lòng dân (2)

08:11 - Thứ Tư, 11/10/2023 Lượt xem: 2050 In bài viết

Bài 2: Góp sức xây dựng bản làng ổn định, phát triển

ĐBP - Muốn có chi bộ tốt, phải có bí thư chi bộ giỏi. Mỗi bí thư chi bộ giỏi sẽ lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt lên mọi khó khăn, xây dựng bản làng ngày càng phát triển. Tại huyện Điện Biên, điều này càng được lan tỏa hơn từ khi phong trào “Bí thư chi bộ khu dân cư giỏi” được triển khai.

Bài 1: Nói dân tin, làm dân theo

Ngoài công việc xã hội, ông Đào Đức Đông, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành, xã Noong Hẹt tích cực sản xuất để người dân tin theo, làm theo.

Khơi gợi sức dân xây dựng nông thôn mới

Đi trên con đường bê tông liên thôn khang trang, rộng rãi, Bí thư Chi bộ thôn Hợp Thành, xã Noong Hẹt Đào Đức Đông không ngớt lời khoe: “Các anh thấy đấy, đây là thành quả tinh thần đoàn kết của hàng chục hộ dân khi đã góp phần công sức, tiền của để nâng cấp tuyến đường, xây dựng hệ thống rãnh thoát nước”.

Theo lời kể của Bí thư Chi bộ Đào Đức Đông, sau nhiều năm đưa vào sử dụng, mấy năm gần đây, tuyến đường liên thôn xuống cấp trầm trọng. Mưa gió, bão lũ làm tuyến đường xuống cấp hơn, gây khó khăn cho việc giao thương, thậm chí đã có nhiều học sinh bị ngã khi qua lại tuyến đường.

Nghĩ là làm, cuối năm 2022, ông Đông tổ chức cuộc họp chi bộ bàn về nội dung sửa chữa, nâng cấp tuyến đường. Với vai trò là Bí thư Chi bộ, ông Đông sẵn sàng góp tiền, ngày công lao động cùng bà con làm đường.

Bằng uy tín và sự tiên phong của bí thư chi bộ, người dân đã đồng thuận và nhất trí nâng cấp tuyến đường theo phương án mà ông Đông đưa ra. Thời điểm đó, gia đình nào góp ít nhất cũng 500 nghìn đồng, có gia đình khá giả hơn thì góp 5 - 6 triệu đồng. Và chỉ một tháng từ khi triển khai, tuyến đường bê tông mới dài gần 1km đã được sửa sang sạch đẹp trong niềm vui, phấn khởi của bà con.

Tuyến đường bê tông liên thôn khang trang do người dân thôn Hợp Thành, xã Noong Hẹt chung tay, góp sức nâng cấp, sửa chữa.

Ở huyện Điện Biên, không riêng gì thôn Hợp Thành, với vai trò đầu tàu, gương mẫu, các bí thư chi bộ ở khu dân cư luôn là “sợi chỉ đỏ” gắn kết cộng đồng, nhất là trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Vài năm gần đây, thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn, huyện đã huy động nhân dân hiến đất, góp tiền, ngày công lao động với tổng giá trị quy đổi nhiều tỷ đồng.

Đặc biệt, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò là hạt nhân chính trị, từng bí thư chi bộ đã cùng các tổ chức đoàn thể vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất. Đến nay, huyện đã có 17/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 10 tiêu chí; bình quân đạt 17,1 tiêu chí/xã; 79 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu.

Bà Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên chia sẻ: Bằng nhiều giải pháp cụ thể, nhất là khi vai trò nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên được thể hiện, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tư duy, nhận thức của người dân từng ngày thay đổi. Người dân cũng ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc đồng hành cùng Nhà nước xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Ông Lò Văn Liên, Bí thư Chi bộ bản Púng Bon, xã Pa Thơm tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân trong bản.

Thiết lập vành đai biên giới hòa bình, ổn định

Bình yên là hình ảnh đang hiện hữu về cuộc sống của người dân xã biên giới Pa Thơm. Bao năm qua, dù cuộc sống còn đó những khó khăn song tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở xã luôn được giữ vững. Có được kết quả đó, dấu ấn vai trò lãnh đạo của mỗi bí thư chi bộ đảng là rất rõ nét.

Thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ông Lò Văn Hoàn, Bí thư Đảng ủy xã Pa Thơm cho biết: “Với hơn 30km đường biên giới tiếp giáp nước bạn Lào, thời điểm ấy, cùng với hệ thống chính trị, 6 bí thư chi bộ bản của xã đã không quản ngày đêm, phối hợp với lực lượng chức năng tích cực tham gia các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân không xuất cảnh trái phép, tuân thủ nghiêm quy định về phòng, chống dịch. Chưa kể họ cũng là những người đi đầu trong phong trào quyên góp, ủng hộ vật lực cho công tác phòng, chống dịch. Nhờ vậy, mà tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn xã được kiểm soát, người dân yên tâm lao động, sản xuất”.

Một góc xã Mường Pồn hôm nay.

Không chỉ tích cực tham gia công tác phòng, chống dịch, những năm gần đây, trước tình hình các loại tội phạm diễn biến phức tạp ở khu vực biên giới, Công an tỉnh Ðiện Biên đã triển khai mô hình “Xã biên giới sạch về ma túy” tại 8 xã, trong đó Mường Pồn là xã duy nhất của huyện Ðiện Biên được chọn để triển khai mô hình.

Thực hiện mô hình, cùng với việc thành lập tổ tự quản, lắp đặt hòm thư tố giác tội phạm, cấp ủy, chính quyền xã Mường Pồn đặc biệt phát huy vai trò của đội ngũ bí thư chi bộ. Qua công tác tuyên truyền, vận động của các bí thư chi bộ, nhân dân hiểu được trách nhiệm cùng cấp ủy, chính quyền địa phương tham gia công tác gìn giữ an ninh trật tự.

Ông Chá A Dúa, Bí thư Chi bộ bản Huổi Un chia sẻ: “Chi bộ là cầu nối chuyển tải các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân; bởi vậy, khi được bà con tin tưởng trao trọng trách thì mình phải gương mẫu đi đầu thực hiện các nhiệm vụ”.

Dù là vùng lòng chảo của tỉnh, song huyện Điện Biên có đến 11 xã biên giới. Những năm qua đời sống nhân dân vùng biên đã có những đổi thay đáng kể, và những đổi thay đó đều in đậm hình ảnh của những người bí thư chi bộ thôn, bản mẫu mực; họ không chỉ là những người “đi trước, về sau” trong mọi công việc mà còn là những nông dân lao động sản xuất chân chính, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân tin yêu, quý mến.

Bài 3: Thi đua làm theo lời Bác

Quang Long - Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top