Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thảo luận tổ về một số Dự án Luật sửa đổi, bổ sung và chính sách đặc thù

11:42 - Thứ Năm, 06/01/2022 Lượt xem: 3600 In bài viết

ĐBP - Tiếp tục kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngày 6/1 Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên thảo luận tổ về một số nội dung: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ.

Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên nhất trí với sự cần thiết ban hành các dự án luật sửa đổi, tờ trình và dự án thí điểm cơ chế đặc thù của Chính phủ. Qua đó kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế, pháp luật, khơi thông và phát huy nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội; đơn giản hóa thủ tục đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Việc hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông sễ kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, khu kinh tế, công nghiệp trọng yếu, đặc biệt là các vùng kinh tế trọng điểm, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đồng tình với dự thảo nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư công; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt. Với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đồng ý với phương án Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật đầu tư công sử dụng vốn ngân sách Trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn ODA và vốn vay theo ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài. Đồng thời phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; HĐND cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư, mục tiêu là tăng cường phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô  thị cho các địa phương, dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I, khu vực II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt. Việc thực hiện các dự án đầu tư xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt sẽ tuân thủ các yêu cầu, điều kiện và được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Nếu được thông qua, tỉnh Điện Biên sẽ được tạo điều kiện thuận lợi hơn, góp phần thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư.

Tham gia ý kiến vào Tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đại biểu Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh đây là dự án đặc biệt quan trọng của quốc gia, nhằm nâng cấp hạ tầng, kết nối Bắc - Nam. Đề nghị chính phủ quan tâm xây dựng cơ chế, ban hành chính sách khai thác tối đa nguồn lực xã hội (doanh nghiệp, người dân) đưa vào các dự án của Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, tiết kiệm tối đa nguồn ngân sách Nhà nước. Các dự án đường bộ khi hoàn thành cần ban hành cơ chế đấu giá hoặc chuyển nhượng quyền thu phí cho doanh nghiệp, để Nhà nước thu hồi được vốn ngân sách đầu tư cho các dự án này. Chính phủ lưu ý kiến nghị kiểm toán Nhà nước để các dự án đường bộ tiết kiệm nhất, tránh tiêu cực, lãnh phí, thất thoát khi xây dựng dự toán cũng như trong triển khai thực hiện. Để dự án đẩy nhanh tiến độ, liên quan chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thì Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện…

Với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đồng tình sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết. Tuy nhiên hiện nay Chính phủ đã ban hành một số cơ chế đặc thù cho một số địa phương, vì vậy cần sớm có tổng kết đánh giá ngay kết quả đạt được, hạn chế của các cơ chế chính sách đặc thù đã triển khai trong thời gian qua.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top