Trách nhiệm nhà báo

09:01 - Thứ Hai, 20/06/2022 Lượt xem: 4257 In bài viết

ĐBP - Nghề báo đầy thú vị. Nhà báo được đi nhiều, được nhìn, được tiếp xúc, cảm nhận, suy nghĩ và phát tiết đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái, ố... với những vấn đề, câu chuyện, số phận trong đời sống xã hội. Những cảm xúc của nhà báo (người viết), ít hay nhiều sẽ được truyền tải, tác động đến độc giả. Báo chí có một chức năng quan trọng là định hướng dư luận xã hội bằng thông tin. Bởi báo chí phản ánh đời sống xã hội, tạo ra nhận thức về một vấn đề hoặc hoạt động nào đó, hoặc số phận một con người. Chính vì vậy để định hướng thông tin tốt, tạo ra một nhận thức tốt rất cần cái tâm của người làm báo. Khi làm việc có tâm sẽ có những sản phẩm, chưa nói đến “hay” mà chỉ cần “đúng” thôi - đã là tác phẩm báo chí đầy tinh thần trách nhiệm, với mục đích hướng tới, dựng xây những điều tốt đẹp hơn.

Nhà báo Đức Bảo tác nghiệp trên lòng hồ Thủy điện Sơn La thuộc xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa).

Song “trách nhiệm” không phải điều dễ thực hiện. Nghề nào, công việc gì cũng có những áp lực riêng, với nghề báo lại càng nhiều khó khăn, thử thách. Thiếu trách nhiệm sẽ trở nên dễ dãi, buông xuôi, làm cho xong việc. Điều này không chỉ đối với những vấn đề gai góc, nổi cộm hay bức xúc, tiêu cực mà ngay cả trong phản ánh những cái hay, cái đẹp.

Một nông dân nỗ lực lao động sản xuất xuất hiện trên mặt báo lung linh, được xem là một tấm gương tiêu biểu. Nhưng khi biết được thông tin đó trên báo, chính người nông dân đó lại buồn. Anh buồn vì “Nhà báo viết quá lên rồi. Đúng là tôi đã thoát nghèo nhờ phát triển VAC nhưng mà trừ chi phí thu nhập cả trăm triệu đồng mỗi năm thì không đúng. Bài báo làm tôi xấu hổ vì người dân ở đây nghĩ tôi... nói phét!”.

Trong một bài báo khác dẫn lời một lãnh đạo với những lời lẽ hùng hồn, tâm huyết, lý luận sâu sắc và nhiều từ ngữ hàn lâm. Vấn đề bài báo phản ánh qua đó trở nên rực rỡ sắc màu, đầy tính khả thi và có một tương lai xán lạn. Thế nhưng kết cục rất bi hài. Vị lãnh đạo đó phản ánh lại rằng “Tôi có nói thế đâu. Phóng viên không gặp trực tiếp tôi. Tôi chỉ giao bộ phận chuyên môn cung cấp đủ báo cáo, số liệu”.

Biểu dương, cổ vũ là việc nên làm. Nhưng khen phải đúng. Có những phóng viên làm việc cẩu thả, thiếu trách nhiệm, và trước hết là “lười”. Lười đi, lười lắng nghe, lười xác minh nên mới có tình trạng “ném của vào nhà, nhét chữ vào mồm” người khác. Bệnh lười cũng là một thách thức trong nghề báo hiện nay!

Đối với những vấn đề nóng, bức xúc thì sự thiếu trách nhiệm của một số ít người làm báo còn gây ra những hệ lụy lớn. Nếu làm việc ẩu, không sát sao, nghe nhìn một chiều, thiếu xác minh đối chiếu không chỉ không định hướng đúng được nhận thức xã hội mà còn tạo ra nhận thức lệch lạc, tiêu cực, làm hỏng việc.

Một chương trình, dự án đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc bởi nhiều nguyên nhân, có khách quan và chủ quan. Trong đó có những vấn đề liên quan đến quyền lợi dân sinh. Báo chí đương nhiên phải vào cuộc. Nhưng phản ánh thế nào để kết quả cuối cùng là dự án được đẩy nhanh, đảm bảo tiến độ mà vẫn hài hoà lợi ích của Nhà nước, người dân và đơn vị thi công? Điều này không dễ. Có những nhà báo lăn lộn hiện trường, bám sát cơ sở để nắm rõ nhu cầu quyền lợi của người dân, tìm hiểu kỹ chủ trương chính sách và quy định pháp luật. Từ đó có những bài viết khách quan, chân thực góp phần tuyên truyền, vận động, định hướng nhận thức vì mục tiêu chung. Nhưng cũng có nhà báo (hay nhân danh nhà báo?) chỉ nhăm nhăm “xoáy” vào những bất cập. Sai sót, tiêu cực cần quyết liệt đấu tranh, và báo chí là lực lượng tiên phong. Nhưng nếu chỉ nhìn vào khoảng tối sẽ không thấy được sắc màu tổng thể của bức tranh. Có thể việc “bới móc” đó khiến tác giả trở thành “anh hùng” đối với một nhóm người có ý kiến trái chiều. Nhưng khi đang cần sự đồng thuận thì vô hình trung một vài bài viết lại đào thêm những khoảng cách.

Công nghệ thông tin bùng nổ, mạng xã hội ngày càng phát triển và chiếm lĩnh lĩnh vực thông tin. Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong đời sống xã hội. Nhưng đây cũng là một thách thức với người làm báo. Lợi ích về thông tin là rất lớn. Có vụ việc được đưa ra ánh sáng khởi đầu từ thông tin trên mạng xã hội rồi sau đó được nhà báo tìm hiểu, điều tra. Song mạng xã hội như một “chợ thông tin” khổng lồ, có đúng và không ít cái chưa đúng và sai sự thật. Vấn đề chọn lọc thông tin để xử lý. Và quan trọng hơn là báo chí phải góp phần định hướng thông tin. Trong thực tiễn đời sống, có sự việc tự nó nói lên ý nghĩa mà không cần lời giải thích nào. Song nhiều sự việc cần được giải thích, phân tích rõ để người đọc, người xem không chỉ biết mà còn hiểu được bản chất. Hiện nay có một xu hướng là nhiều tác phẩm báo chí được “up” lên mạng xã hội. Nếu là sản phẩm tốt sẽ đóng vai trò định hướng dư luận rất tốt. Ngược lại sẽ gây ra những hệ lụy. Bởi có những sự kiện, vụ việc bị “thổi” lên quá mức, hoặc người viết suy diễn cảm tính, dẫn đến thông tin mâu thuẫn nhau làm dư luận xã hội mất phương hướng, không biết tin vào đâu. Hậu quả của việc này trước hết là ảnh hưởng đến uy tín của nghề báo, người làm báo chân chính; ảnh hưởng đến danh dự, quyền lợi của tổ chức, cá nhân và lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Bài, ảnh: Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top