Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số ở Mường Nhé

07:23 - Chủ Nhật, 09/10/2022 Lượt xem: 4296 In bài viết

ĐBP - Huyện Mường Nhé hiện có 1.479 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); trong đó, 962 là người DTTS. Chất lượng CBCCVC người DTTS của huyện là: Trình độ thạc sĩ 3 người, đại học 642 người, cao đẳng 150 người, trung cấp 167. Hiện nay, 11/11 xã của Mường Nhé có tỷ lệ người DTTS trên 70% tổng dân số; tỷ lệ cán bộ người DTTS là 95% trên tổng số cán bộ, công chức cấp xã.

Những năm qua, UBND huyện Mường Nhé đã triển khai Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành, thực hiện đúng, đầy đủ, có hiệu quả các chế độ, chính sách ưu tiên đối với CBCCVC người DTTS trong công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý số lượng, chất lượng. Công tác tuyển dụng được thực hiện đúng các quy định pháp luật hiện hành, bảo đảm công khai, chặt chẽ, phù hợp với tình hình thực tế. Người DTTS được ưu tiên trong tuyển dụng, được cộng 5 điểm vào điểm phỏng vấn vòng 2 theo quy định. Từ năm 2016 đến nay, huyện Mường Nhé tuyển 208 công chức, viên chức; trong đó 194 người là DTTS. Có 43/61 sinh viên địa phương đào tạo theo chế độ cử tuyển được bố trí việc làm.

Công chức xã Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé) thực thi nhiệm vụ.

Cùng với đó, UBND huyện luôn quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBCCVC là người DTTS. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ DTTS. Huyện thường xuyên tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng và đảng viên mới, tạo điều kiện cho họ tham gia các lớp đào tạo cao cấp, trung cấp lý luận chính trị. Cùng với đó, đã mở rộng các loại hình liên kết đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với từng đối tượng. Các chế độ chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng được thực hiện theo đúng quy định hiện hành. Từ năm 2016 đến nay, có trên 30 CBCCVC được cử đi học cao cấp lý luận chính trị; 395 người học trung cấp lý luận chính trị, 43 người tham gia lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính và 227 CBCCVC tham gia lớp quản lý nhà nước chương trình chuyên viên; bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho 451 CBCCVC. Qua đó, góp phần xây dựng đội ngũ CBCCVC có bản lĩnh chính trị, tư tưởng, lập trường vững vàng, có trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Đội ngũ cán bộ DTTS của huyện Mường Nhé được cử đi đào tạo bồi dưỡng sau khi hoàn thành các khóa học đã từng bước được xem xét, bố trí vào các vị trí công việc, chức danh phù hợp, đúng trình độ năng lực, phát huy được kiến thức trang bị, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế và nhiệm vụ công tác đặt ra. Công tác quản lý, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ người DTTS đã từng bước được chuẩn hóa, nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu thực tiễn vùng DTTS. Các cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng, bổ sung quy hoạch cán bộ theo phân cấp quản lý, bảo đảm về cơ cấu, có sự đổi mới, có tính kế thừa và phát triển. Số CBCCVC được quy hoạch chức danh trưởng, phó các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc huyện là 358 người; trong đó, 176 người DTTS. Chức danh lãnh đạo UBND huyện được quy hoạch là 8 người; trong đó, 5 người là DTTS...

Tuy nhiên, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chung của Mường Nhé không thuận lợi, các xã đều đặc biệt khó khăn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhận thức và học vấn còn nhiều hạn chế. Vậy nên, việc lựa chọn nguồn cán bộ là người DTTS để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch vào làm việc, đặc biệt bố trí các chức danh lãnh đạo xã rất khó khăn, cần phải có thời gian, lộ trình triển khai thực hiện. Cũng bởi nguyên nhân đó mà chất lượng chuyên môn của đội ngũ CBCCVC người DTTS cơ bản chưa đạt so với yêu cầu về chuẩn hóa chuyên môn cho cán bộ, công chức cấp cơ sở. Một số còn thiếu các kỹ năng trong tổ chức điều hành quản lý và tổ chức thực hiện các chính sách. Một số khác dù được đào tạo, bồi dưỡng nhưng vẫn chưa vận dụng được kiến thức để nâng cao hiệu quả công tác. Thêm một khó khăn nữa với huyện Mường Nhé là còn khá nhiều sinh viên được cử đi đào tạo cử tuyển hoặc tạo nguồn sau khi tốt nghiệp không được tuyển dụng. Không chỉ vậy, nhiều sinh viên là người DTTS trên địa bàn huyện đã tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng về chuyên ngành sư phạm nhưng không bố trí được việc làm do các bộ, ngành đã nâng chuẩn đầu vào... Đó là những khó khăn, thách thức không nhỏ mà cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé cần tập trung giải quyết trong thời gian tới để có thể phát triển đội ngũ cán bộ DTTS đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top