Năm 2023 ngành Thanh tra phát hiện 114 vụ việc tham nhũng

11:41 - Thứ Sáu, 29/12/2023 Lượt xem: 3944 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (29/12), Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ. Đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

 

Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Năm 2023, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 7.869 cuộc thanh tra hành chính và 193.774 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua đó phát hiện vi phạm về kinh tế gần 258 nghìn tỷ đồng, 616ha đất; kiến nghị thu hồi hơn 188,6 nghìn tỷ đồng và 166ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán hơn 69 nghìn tỷ đồng và 451ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 7.524 tập thể và 7.944 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra xử lý 148 vụ, 164 đối tượng... Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 8.691 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra. Đã thu hồi 2.350 tỷ đồng (đạt 64,1%). Trong năm có gần 363 nghìn lượt người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh với hơn 300 nghìn vụ việc. Cơ quan hành chính đã tiếp nhận hơn 422 nghìn đơn các loại (tăng 9,5% so với năm 2022). Đã giải quyết gần 24 nghìn vụ việc, đạt 88,4%. Đặc biệt, trong năm ngành Thanh tra đã phát hiện 114 vụ việc tham nhũng, với 176  người.

Đối với Thanh tra tỉnh Điện Biên, năm 2023 đã thực hiện 86 cuộc thanh tra hành chính và 578 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, phát hiện có vi phạm về kinh tế với tổng số tiền hơn 29,5 tỷ đồng; trong đó kiến nghị thu hồi gần 22,7 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác về kinh tế gần 6,9 tỷ đồng; ban hành 373 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 36 tổ chức và 337 cá nhân với tổng số tiền hơn 6,8 tỷ đồng. Các cấp, ngành tỉnh đã tổ chức tiếp 1.254 lượt, với 1.614 người (giảm 8,7%); tiếp nhận, xử lý 2.059 đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xem xét, giải quyết theo thẩm quyền 30/41 vụ khiếu nại, 16/17 vụ tố cáo.

Hội nghị đã thảo luận về những hạn chế, như: Công tác thanh tra vẫn còn chồng chéo; việc thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra, nhất là tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa đạt mục tiêu đề ra; công tác tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số bộ, ngành, địa phương chưa đầy đủ; công tác phân loại, xử lý đơn thư còn sai sót; tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn; việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá năm 2023 toàn ngành Thanh tra đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước giao; các mặt công tác có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, giữ vững kỷ cương pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Năm 2024, đề nghị toàn ngành Thanh tra tiếp tục đổi mới phương pháp chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực và toàn diện hơn. Tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả Luật Thanh tra (sửa đổi), các quy định mới. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xây dựng, triển khai các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực quản lý, cả trước mắt và lâu dài, nhất là các nhiệm vụ triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn và năm 2024. Triển khai kế hoạch thanh tra năm 2024 theo hướng trọng tâm, hiệu quả; tập trung thanh tra đối với những ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, có nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch của Thanh tra Chính phủ về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực hiện đồng bộ các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng; các kết luận, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tin, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top