Xã hộiChuyển đổi số

Nâng cao nhận thức để hướng tới xã hội số

16:34 - Thứ Ba, 30/01/2024 Lượt xem: 3219 In bài viết

ĐBP - Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, thời gian qua, các cấp, các ngành đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số với nhiều cách làm linh hoạt, sáng tạo. Tại nhiều khu vực vùng cao, người dân còn sẵn sàng, thậm chí là tích cực đón nhận, trải nghiệm các nền tảng, ứng dụng, công nghệ mới một cách chủ động.

Góp sức trẻ chuyển đổi số

Hơn 60 tuổi, là nông dân, quanh năm lam lũ với đồng ruộng nên ông Lò Văn Pỏm (xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng) luôn gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin. Nghe thông tin trên báo, đài về xu thế chuyển đổi số, ông loay hoay không biết nên bắt đầu từ đâu để kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Tuy nhiên, lo lắng của ông Pỏm được giải quyết khi đoàn viên, thanh niên trong xã tới tận nhà hỗ trợ ông cùng các thành viên trong gia đình cài đặt và hướng dẫn sử dụng.

“Không chỉ hỗ trợ kích hoạt tài khoản định danh điện tử, các bạn trẻ còn tuyên truyền, giúp tôi hiểu được lợi ích của việc thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Với việc kích hoạt số định danh cá nhân, người dân có thể thực hiện các giao dịch hay làm thủ tục hành chính nhanh chóng, thuận lợi mà không cần tới các giấy tờ như trước kia” - ông Pỏm phấn khởi chia sẻ.

Đây cũng là niềm vui chung của rất nhiều người dân vùng sâu, vùng xa khi được các tổ chức đoàn thể hỗ trợ tiếp cận chuyển đổi số.

Thời gian qua, với vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, nhất là với khả năng tiếp cận nhanh các xu hướng mới, hiện đại thông qua các thiết bị công nghệ và môi trường mạng, lực lượng đoàn viên thanh niên trong tỉnh đã phối hợp với các tổ chuyển đổi số cộng đồng đến từng nhà hỗ trợ từng người dân, từng hộ kinh doanh... cài đặt, hướng dẫn sử dụng các sản phẩm dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng thanh toán tiện lợi… Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng đoàn viên, thanh niên các cấp trong toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ cài đặt, kích hoạt ứng dụng định danh điện tử cho gần 105.000 người dân; hướng dẫn trên 500 trường hợp khai báo lưu trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hơn 4.000 trường hợp khai báo lưu trú tại trung tâm y tế các huyện.

Anh Đặng Thành Huy, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thực hiện lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, của tỉnh, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan, đơn vị triển khai hoạt động chuyển đổi số, thường xuyên quán triệt, phổ biến các văn bản chỉ đạo của Trung ương Đoàn, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh tới toàn thể cán bộ, đoàn viên, thanh niên và nhân dân. Đặc biệt, thực hiện các nội dung chuyển đổi số của tỉnh, các cấp bộ đoàn đã phát động phong trào thi đua, hướng dẫn cài đặt, sử dụng nền tảng số tỉnh Điện Biên cho người dân, tổ chức xã hội. Duy trì hoạt động 129 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, với 159 thành viên là bí thư, phó bí thư đoàn thanh niên cấp xã. Thành lập đội hình tình nguyện tham gia chuyển đổi số cấp tỉnh gồm 6 đội hình với 39 tình nguyện viên. Đến nay, mọi hoạt động của các tổ, đội tình nguyện tiếp tục được thực hiện và đã tạo được dấu ấn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương.

Hướng tới xã hội số

Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã và đang dần thay đổi nhận thức về chuyển đổi số, trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Qua đánh giá của UBND tỉnh, năm 2023, việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai đồng bộ, toàn diện và được sự hưởng ứng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, thông qua công tác triển khai các đề án, dự án, kế hoạch về chuyển đổi số, kết hợp với việc thực thi các giải pháp về xây dựng môi trường chính sách, đảm bảo đủ nguồn nhân lực, tổ chức triển khai, đào tạo, tuyên truyền phổ biến... đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển chính quyền số, kinh tế số, nhất là xã hội số.

Theo thống kê, thực hiện lộ trình chuyển đổi số của Chính phủ, đến nay, toàn tỉnh có gần 80% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt trên 70%; 50% dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản thanh toán điện tử, với đa dạng các hình thức thanh toán trực tuyến qua thẻ, thanh toán qua internet banking, mobile banking, mobile money... Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng bình đẳng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường, nông nghiệp), sử dụng ứng dụng Điện Biên Smart, VNeID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, lưu trú, tạm trú, tích hợp giấy tờ như thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe...) ngày một tăng. Toàn tỉnh đã hướng dẫn, hỗ trợ công dân kích hoạt được khoảng 90% tài khoản định danh điện tử/tổng số nhân khẩu từ đủ 14 tuổi trở lên...

Với mục tiêu đến hết năm 2024, toàn tỉnh có 90% dân số trưởng thành có tài khoản định danh điện tử, tài khoản trên cổng dịch vụ công quốc gia, hiện nay, các cấp, các ngành đang đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số; duy trì hoạt động của các đội hình tình nguyện, Tổ công nghệ số cộng đồng trong việc hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng các nền tảng số, phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện, tiên phong, sáng tạo, nhạy bén với công nghệ của đoàn viên, thanh niên…

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận

Tin khác

Back To Top