Kinh tếĐầu tư

Tháo gỡ “điểm nghẽn” mặt bằng để thu hút đầu tư

09:37 - Thứ Sáu, 20/10/2023 Lượt xem: 2526 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh tuy có khởi sắc, nhưng còn hạn chế bởi nhiều nguyên nhân, trong đó “điểm nghẽn” lớn nhất là việc tiếp cận đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) trong thực hiện dự án.

Nhà thầu thi công hạng mục đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đỗ Dự án Ðầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Ðiện Biên.

Thực tế, thời gian qua, tỉnh đã thu hút được nhiều nhà đầu tư (DanKo Group, CME, Công ty Cổ phần đầu tư Khu công nghiệp Việt Nam, Công ty Cổ phần đầu tư Ðại An, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Agroup...) đến tìm hiểu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án. Nhưng có nhà đầu tư sau khi tìm hiểu, ký cam kết đầu tư, thậm chí đã thực hiện đầu tư nhưng do khó khăn trong việc tiếp cận đất đai, vướng mắc công tác GPMB nên đến nay vẫn chưa thể triển khai thực hiện dự án.

Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, năm 2022 tỉnh đã thu hút được nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Thương mại và Xây dựng NQT Quảng Ninh thực hiện dự án thông qua hình thức đấu thầu. Vốn đầu tư của dự án khoảng 193 tỷ đồng; thời gian thực hiện trong 2 năm (từ quý III/2022 đến quý IV/2023 đưa công trình vào hoạt động). Thế nhưng, từ thời điểm UBND tỉnh chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định số 988/QÐ-UBND ngày 3/6/2022, đến nay dự án vẫn chưa thể triển khai thi công các hạng mục. Nguyên nhân do đến nay công tác GPMB vẫn đang được cơ quan chức năng triển khai rà soát nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm tạo lập tài sản của 5 hộ gia đình. Cùng đó, phần tài sản, vật kiến trúc khó xác định thời điểm tạo lập do đất có nguồn gốc trước đây đã thu hồi của Hợp tác xã Him Lam giao cho Ban quản lý các dự án công nghiệp tỉnh nhưng chưa triển khai. Vì vậy, chưa có mặt bằng sạch cho nhà đầu tư thực hiện dự án.

Dự án Chợ và Thương mại dịch vụ Mường Thanh không phải là trường hợp duy nhất lâm vào tình trạng kéo dài thời gian thực hiện do vướng mắc về đất đai. Theo báo cáo của UBND tỉnh đánh giá kết quả thực hiện chỉ số PCI năm 2022 chỉ rõ, trong chỉ số tiếp cận đất đai của Ðiện Biên tuy đã được cải thiện (6.77 điểm), tăng 0,52 điểm so với năm 2021 nhưng còn khá khiêm tốn so với một số tỉnh, thành cả nước. Việc hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận đất đai dù đã được quan tâm chỉ đạo, nhưng chuyển biến chưa đạt kỳ vọng.

Công tác hỗ trợ doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới nhưng kết quả đạt được chưa nhiều; việc giải quyết khó khăn vướng mắc cho một số doanh nghiệp chưa thật sự chủ động, đôi khi thiếu quyết liệt. Công tác bồi thường, GPMB, bố trí tái định cư, thực hiện thủ tục đất đai còn gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan; sự phối hợp của các cấp, các ngành hiệu quả chưa cao. Cụ thể, thời hạn giải quyết hồ sơ đất đai dài hơn so với thời hạn được niêm yết hoặc văn bản quy định chiếm 75%; tỷ lệ doanh nghiệp phải trì hoãn hoặc hủy bỏ kế hoạch kinh doanh do gặp khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai 50%; trong khi đó cán bộ nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính không hướng dẫn chi tiết, đầy đủ vẫn còn 26%...

Ðể tháo gỡ “điểm nghẽn” về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện thực hiện công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các tổ chức, cá nhân đầy đủ, nhanh chóng và thuận lợi. Hoàn thiện cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, GPMB để tạo điều kiện cho doanh nghiệp; rút ngắn thời gian xử lý xác định giá đất thực tế khi Nhà nước giao đất; xây dựng khung giá đất sát với giá thực tế trên thị trường. Ðồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính về đất đai và tổ chức triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng quy định. Chủ động tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai; cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch để tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh. Kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ hỗ trợ công dân, doanh nghiệp.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp, từ đầu năm 2023 đến nay, công tác thu hút đầu tư có những chuyển biến tích cực. UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 12 dự án về lĩnh vực thủy điện, thương mại - dịch vụ, nông - lâm nghiệp, vật liệu xây dựng, khu dân cư với tổng số vốn đăng ký đầu tư hơn 3.610 tỷ đồng. Sở Kế hoạch và Ðầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 11 dự án; luỹ kế toàn tỉnh có 207 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và quyết định chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 45.722 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top