Du lịch Tuần Giáo
ĐBP - Những năm qua cấp ủy, chính quyền Tuần Giáo đã đề ra nhiều giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, quan tâm quy hoạch, đầu tư hạ tầng, bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc. Đặc biệt, tới đây nghị quyết về phát triển du lịch huyện Tuần Giáo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được xem là bước đột phá đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, mở ra cơ hội để người dân phát triển kinh tế.
Huyện Tuần Giáo có nhiều khu du lịch sinh thái đẹp, là điểm đến quen thuộc thu hút khách trong và ngoài huyện. Không ít điểm vui chơi với những ý tưởng độc đáo, không gian mới lạ, rực rỡ sắc màu, như: Khu sinh thái Tênh Phông, thác Mường Thín, suối khoáng nóng bản Sáng (xã Quài Cang), Pha Đin Pass, Pu Pha Đin, Khu căn cứ Cách mạng Pú Nhung, danh lam thắng cảnh Hang động Mùn Chung; danh lam thắng cảnh Hang động Bản Khá... Các lễ hội văn hóa dân gian, các nghề thủ công truyền thống.
Xác định đưa du lịch trở thành ngành kinh tế “mũi nhọn”, thời gian tới Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Tuần Giáo đã ban hành Nghị quyết “Phát triển du lịch huyện Tuần Giáo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, đến năm 2025 huyện Tuần Giáo đón trên 50.000 lượt khách/năm; số ngày lưu trú bình quân từ 1 ngày trở lên; trên 90% số nhà hàng, nhà nghỉ, khách sạn có nhân viên được tập huấn nghiệp vụ du lịch... Để đạt được mục tiêu đó, huyện Tuần Giáo ưu tiên bố trí nguồn lực để lập quy hoạch xây dựng các khu du lịch trọng điểm phù hợp với quy hoạch chung của huyện thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 làm cơ sở đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và thu hút đầu tư phát triển du lịch. Đồng thời, tập trung lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi 5 di tích đã được xếp hạng trên di tích cấp tỉnh gồm: Khu căn cứ Cách mạng Pú Nhung, danh lam thắng cảnh Hang động Mùn Chung; danh lam thắng cảnh Hang động Bản Khá... Chủ động phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thường xuyên rà soát, lập mới đề nghị công nhận các di tích quốc gia, di tích cấp tỉnh và các di sản văn hóa phi vật thể vào danh mục quốc gia. Tăng cường phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật viễn thông, điện, công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hướng tới hình thành và phát triển hệ thống du lịch thông minh.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, đổi mới cách làm du lịch, trên cơ sở bản sắc văn hóa truyền thống, cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã và đang tạo điều kiện, khuyến khích người dân mạnh dạn tập trung bảo tồn nét văn hóa truyền thống các dân tộc, xây dựng bản văn hóa phát triển du lịch như: Bản Có (xã Quài Tở); bản Lồng, Hua Sa A (xã Tỏa Tình); bản Sáng (xã Quài Cang)... Đơn cử như hiện nay huyện Tuần Giáo đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng quy hoạch khu du lịch nước nóng bản Sáng (xã Quài Cang) với diện tích 5,5ha gồm các hạng mục kinh doanh: Bể tắm khoáng, ăn uống, vui chơi, giải trí, nhà nghỉ, du lịch cộng đồng... Các mô hình homestay, khu du lịch văn hóa và sinh thái; mô hình bản văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều du khách (năm 2021, huyện đón trên 30.000 lượt khách).
Ngoài ra, huyện cũng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xúc tiến, quảng bá du lịch; xây dựng chuyên trang điện tử giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, điểm du lịch tiêu biểu; khuyến khích các hộ gia đình làm nông nghiệp phát triển du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp, nông thôn; có cơ chế, chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hình thành các điểm du lịch. Nằm trên đỉnh đèo Pha Đin hùng vĩ, con đèo nối giữa 2 tỉnh Sơn La - Điện Biên, khu du lịch sinh thái “Pha Đin Pass” đã trở thành điểm lý tưởng để du khách thưởng ngoạn thung lũng hoa tràn ngập sắc màu; không gian nghỉ ngơi, vui chơi, chụp ảnh. Khu du lịch sinh thái “Pha Đin Pass” vào ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật đón từ 200 - 250 khách/ngày. Để thu hút du khách, khu du lịch đã và đang đẩy mạnh hoạt động quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đầu tư nhiều cho không gian, cơ sở vật chất (chòi, tiểu cảnh...); trang hoàng các địa điểm để du khách đến chụp ảnh và tận hưởng những khoảnh khắc hòa mình cùng cây cỏ, hoa lá... Cùng với đó, huyện phát huy tối đa 20 cơ sở lưu trú du lịch với trên 250 buồng, phòng; 20 nhà hàng quy mô phục vụ 15 bàn trở lên; đồng thời thường xuyên tuyên truyền, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cho người quản lý và nhân viên tại các khách sạn, nhà nghỉ.
Hi vọng rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cách làm mới, sáng tạo; hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân kinh doanh du lịch... sẽ là tiền đề vững chắc để huyện “cửa ngõ” Tuần Giáo tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế, trở thành điểm đến du lịch an toàn và hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh.