Một thoáng Bản Liền

09:03 - Thứ Hai, 24/01/2022 Lượt xem: 10637 In bài viết

Nằm cách trung tâm thị trấn Bắc Hà (huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) khoảng 30km, Bản Liền là một trong những xã cuối cùng của tỉnh Lào Cai trước khi sang tới huyện Xín Mần (tỉnh Hà Giang). Đây cũng là điều kiện giúp Bản Liền giữ được vẻ nguyên sơ, nhưng cũng là thách thức khi xác định phát triển du lịch như là một cách để thay đổi vùng đất này.

Một góc Bản Liền.

Những homestay đầu tiên ở Bản Liền

Xã Bản Liền rộng hơn 57km2, mật độ dân cư chỉ khoảng 31 người/km2. Đa phần diện tích là địa hình đồi núi, tạo nên khung cảnh thiên nhiên vô cùng hoang sơ, với những rừng cọ, đồi chè, suối thác, những nếp nhà sàn tựa lưng vào núi hay “đứng” trên những thửa ruộng bậc thang như dòng suối đổ theo triền đồi. Với kiểu khí hậu đặc trưng của vùng “cao nguyên trắng” Bắc Hà, du khách sẽ không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh những màn sương mờ “ào” tới, phủ lên những xóm nhỏ lớp voan mỏng manh, khiến khung cảnh trở nên huyền ảo, mộng mị.

Chúng tôi đến Bản Liền Forest homestay - một trong 5 hộ gia đình ở Bản Liền đang tham gia mô hình du lịch cộng đồng tại địa phương khi trời đã tối. Ngay từ khi bước đến chân cầu thang dẫn lên nhà sàn chúng tôi đã cảm thấy ấm áp bởi sự đón tiếp nồng hậu của gia chủ. Đợi khách sắp xếp xong hành lý, chị Vàng Thị Cân ân cần mang những chậu nước chè nghi ngút khói, bên trong thả những bông trà trắng muốt tỏa hương dịu nhẹ để chúng tôi ngâm chân, xua tan sự mệt mỏi của chặng đường dài và cái lạnh giá của vùng núi phía Bắc. 

Bên bếp lửa, chúng tôi được biết, gia đình chị Cân đã di cư đến đội 3, xã Bản Liền từ những năm 1990. Tại đây, gia đình chị đã dựng lại ngôi nhà sàn lợp mái cọ theo đúng lối truyền thống, với bếp lửa giữa nhà để làm nơi sinh hoạt chung của cả gia đình. Với người Tày, bếp là không gian sinh hoạt chung quan trọng nhất. Vừa nhanh tay giở kẹp bánh sắn nướng trên bếp lửa, chị Cân vừa chia sẻ: “Từ ngày làm du lịch, gia đình tôi có dịp kể cho du khách về những phong tục tập quán, công việc hằng ngày hay những lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Ban đầu, chúng tôi khá bỡ ngỡ, nhưng khi du khách có nhu cầu tìm hiểu và trải nghiệm, chúng tôi hướng dẫn du khách cùng gặt lúa, hái chè, làm bánh sắn... Mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid, nhưng tôi và gia đình đều quyết định sẽ coi du lịch như một sinh kế lâu dài”.

Cách nhà chị Cân không xa là Chè Hill homestay của anh Lâm A Luận. Gia đình anh cũng cải tạo ngôi nhà sàn gỗ truyền thống phù hợp với công năng và có thể đón tối đa 20 khách, phục vụ ăn uống cùng các trải nghiệm như trekking đồi chè, hái và sao chè hay đi bộ tham quan bản làng, thác nước ở khu vực xung quanh. Với lợi thế sở hữu một đồi chè cổ thụ có tuổi đời hơn 60 năm, rộng hơn 10ha ngay sau nhà, gia đình anh phát triển song song nghề trồng chè hữu cơ và du lịch. Nhờ tận dụng những lợi thế sẵn có và làm thêm chòi ngắm cảnh trên đỉnh đồi để du khách check-in, homestay của gia đình anh Luận được nhiều du khách biết đến.

Chậm mà chắc

Gia đình chị Vàng Thị Cân và anh Lâm A Luận là 2 trong số 5 hộ gia đình ở Bản Liền tham gia Dự án Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà do chính phủ Australia tài trợ thông qua chương trình Bình đẳng giới trong nông nghiệp và du lịch (GREAT) tại 2 tỉnh Lào Cai và Sơn La. Cùng với sự hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ cho vay vốn, đào tạo kỹ năng đón tiếp khách, nấu ăn, kỹ năng truyền thông trên mạng xã hội và ngoại ngữ, người dân đã được tiếp cận với cách làm du lịch một cách bài bản từ các chuyên viên của Trung tâm Kinh tế Nông thôn (CRED).

Nếu lướt qua những trang website, facebook, zalo của các gia đình, khó có thể tin những nội dung, hình ảnh đầy sức hấp dẫn ấy lại do chính những người dân mà phần lớn là đồng bào dân tộc Tày ở Bản Liền tự tay xây dựng. Cùng với đó, người dân cũng đã biết cách cải tạo, trang trí cho ngôi nhà của mình trở thành những homestay có cảnh quan đẹp, kiến trúc thân thiện với môi trường đồng thời kết hợp với việc bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản. 

Bà Thái Thị Huyền Nga, phụ trách Dự án Nâng cao kinh tế và vị thế phụ nữ dân tộc thiểu số thông qua phát triển du lịch cộng đồng tại Bắc Hà cho biết: Dự án của GREAT được thực hiện từ tháng 3-2019 đến tháng 3-2022 với 3 mục tiêu: Người dân, đặc biệt là phụ nữ có thêm việc làm và thu nhập từ việc cung cấp các dịch vụ du lịch cộng đồng; Tăng sự tự tin và chủ động cho phụ nữ dân tộc thiểu số trong việc kinh doanh; Gia tăng sự ủng hộ của nam giới trong việc để phụ nữ làm kinh tế, có vai trò quyết định trong gia đình và tham gia các hoạt động cộng đồng...

Bà Nga chia sẻ: "Bên cạnh những thay đổi rõ rệt về vai trò và sự bình đẳng của phụ nữ, dự án đã góp phần đưa bà con tới gần hơn với cách làm du lịch một cách chuyên nghiệp. Điều quan trọng là người dân Bản Liền rất có ý thức trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, do đó chúng tôi tin rằng việc phát triển du lịch tại đây trong những năm tới tuy chậm nhưng sẽ mang lại sinh kế bền vững cho người dân, góp phần vào sự phát triển của kinh tế địa phương”.

Mặc dù có những khó khăn nhất định do dịch Covid-19 khiến lượng khách đến với Bản Liền chưa nhiều, nhưng với những định hướng phát triển sản phẩm hướng phù hợp, thời gian tới Bản Liền sẽ là một điểm đến hấp dẫn khách du lịch nội địa thay cho thị trường khách quốc tế vốn từng là đối tượng khách chủ đạo tại Bản Liền.

P.V (theo HNM)
Bình luận

Tin khác

Back To Top