Tìm kiếm bổ sung di tích thành phần Chiến trường Điện Biên Phủ

13:29 - Thứ Sáu, 08/04/2022 Lượt xem: 3968 In bài viết

ĐBP - Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi dấu 68 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử to lớn. Để phục vụ hiệu quả công tác quản lý, khai thác di tích, giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, 2 năm qua, Ban Quản lý di tích tỉnh (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên) đã thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Tiến Đào, hiện sinh sống tại tỉnh Bắc Giang, chia sẻ thông tin, kỷ niệm về Chiến dịch Điện Biên Phủ với cán bộ Ban Quản lý di tích. Ảnh: C.T.V

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ hiện có 45 điểm di tích thành phần. 56 ngày đêm giao tranh khốc liệt, chiến đấu ngoan cường tại Điện Biên Phủ giữa ta với địch đã để lại nhiều chứng tích chiến tranh. Đến nay, nhiều địa điểm liên quan, vị trí đóng quân của quân đội ta và cứ điểm của Pháp tại mảnh đất này vẫn chưa được xác định. Vì vậy từ năm 2020, sau khi được thành lập, Ban Quản lý di tích đã bắt tay vào thực hiện nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần bổ sung vào danh mục Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Anh Đạo, Giám đốc Ban Quản lý di tích tỉnh cho biết: “Năm 2020, Ban thành lập đoàn công tác phối hợp với các viện nghiên cứu lịch sử, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hậu cần... và đến các đại đoàn, đơn vị trực thuộc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (Sư đoàn 316, 304, 308, 312, Trung đoàn 675 Binh chủng Pháo binh, Cục Quân y) đang đóng quân tại Thái Nguyên, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội thu thập thông tin, tư liệu, tài liệu, hiện vật, file ảnh... liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Kết quả thu được nhiều hình ảnh tư liệu liên quan đến Chiến dịch, các anh hùng tham gia Chiến dịch, công tác hậu cần, tài liệu tiếng Pháp viết về trận Điện Biên Phủ, những thước phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Pháp và một số trận đánh tại cứ điểm A1, C1, C2... Đây là những tư liệu, tài liệu góp phần làm rõ hơn chiến công của các đơn vị tham gia Chiến dịch, làm nên chiến thắng, là cơ sở để triển khai thực hiện công tác tìm kiếm các điểm di tích thành phần.

Đến năm 2021, đoàn công tác Ban Quản lý di tích tỉnh tiếp tục nhiệm vụ trên, thu thập thông tin, chứng cứ, dữ liệu liên quan từ các nguồn tư liệu, kỷ vật, hồi ký và kí ức của các nhân chứng lịch sử là cựu chiến binh hoặc người nhà cựu chiến binh trực tiếp tham gia trận Điện Biên Phủ năm 1954, hiện đang sinh sống tại các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Hải Phòng, Điện Biên. Chuyến đi này, các cán bộ Ban Quản lý di tích tập trung vào những thông tin, tài liệu liên quan đến địa điểm, sự kiện, câu chuyện nhân vật lịch sử, đặc biệt là liên quan đến vị trí đóng quân của các đại đoàn, trung đoàn của Quân đội Nhân dân Việt Nam tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ và các vị trí cứ điểm của quân Pháp. Kết quả nghiên cứu, sưu tầm được 6 hiện vật, 1 ảnh, 1 cuốn sách ảnh liên quan đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, bao gồm: Bức ảnh kỷ niệm tại cầu Mường Thanh chụp trong lễ diễu binh sau Chiến thắng 1954, cuốn sách ảnh về Điện Biên Phủ của 1 cựu chiến binh được nữ y tá Pháp tại Điện Biên năm 1954 tặng nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, mảnh dù, ca uống nước, Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên, hộp đạn đại liên, dao cạo râu. Đồng thời khai thác thông tin cùng các file ghi âm, hình ảnh phỏng vấn 27 cựu chiến binh trực tiếp tham gia Chiến dịch.

Mặc dù nhận được sự phối hợp, nhiệt tình giúp đỡ, chia sẻ của các cơ quan, đơn vị, cựu chiến binh và gia đình, nhưng công tác nghiên cứu, khảo sát, tìm kiếm các điểm di tích thành phần vẫn gặp không ít khó khăn. Bởi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng cách đây đã gần 70 năm, cựu chiến binh tham gia Chiến dịch không còn nhiều, tuổi cao, sức khỏe yếu, trí nhớ giảm sút. Hơn nữa, hầu hết cựu chiến binh được phỏng vấn, khi tham gia Chiến dịch là chiến sĩ, nhận nhiệm vụ đánh chiếm các cứ điểm quân Pháp chiếm đóng, nên ít người biết các vị trí sở chỉ huy của trung đoàn, đại đoàn. Các đơn vị không lưu giữ được nhiều tài liệu, sơ đồ, bản đồ liên quan. Các thông tin, tư liệu đóng quân của các đơn vị tham gia Chiến dịch trước đây phần lớn đặt tên theo kí hiệu quân sự, không theo địa danh nên khó xác định ví trị...

Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top